Chia sẻ lợi ích cộng đồng nhằm phát triển du lịch bền vững
Với phương châm dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch, thời gian qua một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” này đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề hợp tác, chia sẻ lợi ích với người dân sống trong vùng du lịch để tìm cho mình hướng đi mới, bền vững và hiệu quả hơn.
“Cú hích” cho sinh kế
Tại Buôn Đôn, nhờ nhiều hoạt động du lịch được mở ra nên đã góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy nhiều hộ gia đình phát triển sinh kế. Anh Y Đông KNéh ở Khu Du lịch Buôn Trí A (xã Krông Na) cho biết: mỗi ngày gia đình anh kiếm được trên dưới 200 nghìn đồng từ dịch vụ buôn bán đồ mỹ nghệ, cho thuê quần áo người dân tộc bản địa và gia công hàng lưu niệm cho du khách… nhờ thế đời sống của gia đình anh đã được cải thiện đáng kể. Không riêng gì những người làm dịch vụ mà nhiều gia đình làm nông nghiệp thuần túy ở đây cũng “ăn theo” hoạt động du lịch sôi động trên địa bàn. Chẳng hạn như gia đình Amí Wét Ksơ chỉ chuyên trồng các loại rau, củ trong vườn, nhưng hàng tháng cũng cho thu nhập đáng kể nhờ các nhà hàng trong khu du lịch đặt mối tiêu thụ. Hay như nhà ông Y Soát Byă tập trung nuôi gà thả vườn để cung cấp nhu cầu thực phẩm cho các điểm du lịch trong vùng với số lượng ngày càng nhiều và giá cả ổn định. Những ngành nghề truyền thống khác như làm rượu cần, đồ gỗ và đá mỹ nghệ cũng có “đất sống” nhờ du lịch.
Người dân sống quanh hồ Lak đầu tư xây dựng nhà dài truyền thống để phục vụ du khách. |
Tương tự, ở khu du lịch Hồ Lak cũng được “ngành công nghiệp không khói” tạo ra “cú hích” đáng kể để người dân chia sẻ và hưởng lợi. Chị H’Lăm cho hay: những gia đình nghèo như chị, không có tài sản đáng kể như voi, cồng chiêng, thuyền độc mộc và nhà dài… để tham gia làm du lịch, nhưng thông qua nhiều dịch vụ được các đơn vị kinh doanh du lịch mở ra cũng tạo điều kiện cho con em họ kiếm sống một cách ổn định. Những đêm xoang hay diễn tấu cồng chiêng và phục vụ rượu cần do du khách yêu cầu là dịp để con em những gia đình nghèo trong vùng tham gia và kiếm thêm thu nhập. Qua những hoạt động trên mà cô H’Liêu, con gái chị H’Lăm được Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak nhận vào làm hợp đồng thường xuyên với mức lương 2,7-2,8 triệu đồng/tháng. Cô gái M’nông này tâm sự: người nghèo như em dù chưa được hưởng lợi nhiều từ hoạt động du lịch, nhưng có công ăn việc làm như thế là tốt lắm rồi. Mong sao những công ty làm du lịch ở đây có nhiều sản phẩm hơn, đưa du khách đến thôn buôn và từng gia đình để chúng em có cơ hội tham gia phục vụ nhằm cải thiện đời sống. Tâm sự ấy được ông Nguyễn Tuấn-Phó giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak chia sẻ: Trong thời gian tới, Công ty sẽ quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính cộng đồng sâu đậm hơn nữa để mang lợi ích đến cho nhiều người, nhất là những gia đình không có tài sản đáng kể để liên kết kinh doanh du lịch trên địa bàn. Ông Tuấn khẳng định: các cộng đồng sinh sống trong vùng du lịch phải được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này; hướng đến những đối tượng nghèo để tạo công ăn, việc làm cho họ cũng là mục tiêu đặt ra cho các đơn vị khai thác và kinh doanh du lịch hiện nay. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và sự phát triển bền vững cho từng tuor - tuyến du lịch được quy hoạch trên từng vùng.
Kỳ vọng vào doanh nghiệp
Rõ ràng, những kỳ vọng của người dân sống trong các vùng du lịch là chính đáng mà các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Dak Lak phải lưu tâm. Muốn được điều đó DN phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với cộng đồng. Đường hướng vạch ra là vậy, nhưng trên thực tế thì sao? Kết luận của UBND tỉnh về việc xây dựng và phát triển Du lịch Dak Lak giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2025 cho thấy hầu hết DN làm du lịch chưa thật sự năng động trong bối cảnh hội nhập hiện nay; chưa chú tâm đầu tư, khai thác thế mạnh của mình bằng chính những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù và có lợi thế cạnh tranh cao.
Việc đưa khách tham quan hồ Lak bằng thuyền độc mộc đã giúp tăng thu nhập cho nhiều người dân (Ảnh: Đ.T) |
Đánh giá xác đáng này cũng là điều mà những người làm du lịch ở Dak Lak cần phải nhìn nhận, suy nghĩ một cách nghiêm túc. Nhiều công ty du lịch trên địa bàn cho rằng: Do cơ chế, chính sách đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cấp chính quyền chưa rõ ràng, dứt khoát nên các DN như bị “trói tay”, không thể bung ra được! Vậy trên thực tế, về phía những người có trách nhiệm đã chia sẻ những băn khoăn trên của các đơn vị làm du lịch ở địa phương ra sao? Ông Y Thắk Ksơ - Phó chủ tịch huyện Buôn Đôn có quan điểm: Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và rất ủng hộ cho các DN làm du lịch ở đây. Vấn đề còn lại là họ không chịu nhanh nhạy, thay đổi tư duy trong hoạt động khai thác, kinh doanh của mình mà thôi. Cứ một điệp khúc cưỡi voi, rồi lại cơm lam, gà nướng mãi… thì du khách sẽ nhàm chán. Còn theo ông Đỗ Quốc Hương-Chủ tịch huyện Lak: trung tuần tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế đầu tư, giá thuê đất (bao gồm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa…) trong hoạt động kinh doanh du lịch; đồng thời thể chế hóa một số nhiệm vụ, chức năng phối hợp giữa các DN với cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy ngành kinh tế quan trọng này phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Sự quan tâm ấy chính là bàn đạp giúp các DN hoạch định chiến lược kinh doanh dài hơi cho mình, khắc phục tâm lý ỷ lại, chỉ trông vào tiềm năng tự nhiên vốn có (như hồ, thác, sông suối, cảnh quan) để khai thác một cách manh mún, nhất thời… Ông Hương cho rằng: đã đến lúc mỗi DN phải tự nỗ lực tìm hướng đi thích hợp trong kinh doanh du lịch, coi đó là mối quan tâm hàng đầu trong lộ trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung của mỗi cộng đồng, địa phương; mới đáp ứng được mong mỏi của người dân sinh sống trong vùng du lịch. Cần phải coi tiềm năng và thế mạnh du lịch ở mỗi vùng chính là chính là tài sản to lớn mà các cộng đồng cần biết nhanh chóng cùng với DN khai thác để làm giàu cho chính mình và xã hội.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc