Multimedia Đọc Báo in

Hài hòa lợi ích trong phát triển thủy điện

10:38, 06/06/2014

Những năm qua, hàng chục công trình thủy điện (TĐ) được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, theo đó, đã gây ra những tác động tích cực cũng như tiêu cực đến môi trường, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân vùng dự án. Để từng bước khắc phục dần các tiêu cực, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và chủ đầu tư đã thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên…

Từ những tác động tiêu cực

Trên địa bàn tỉnh hiện có 26 dự án thủy điện (DATĐ) đã được đồng ý chủ trương đầu tư, tổng công suất hơn 948 MW, trong đó 18 DA (tổng công suất 857 MW) đã đi vào hoạt động, 2 DA (33 MW) đang xây dựng, 2 DA (8,2 MW) đã được thẩm định thiết kế cơ sở và 4 DA (49,7 MW) đang lập hồ sơ thiết kế cơ sở. Theo đánh giá của Sở Công thương, việc xây dựng các nhà máy TĐ đã ảnh hưởng nhiều mặt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển rừng và an ninh trật tự trên địa bàn. Cụ thể, về mặt tích cực, các DATĐ đã cung cấp vào lưới điện quốc gia sản lượng điện bình quân gần 2,9 tỷ kWh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, tạo điều kiện canh tác một số diện tích đất nông nghiệp vùng hạ du vào mùa mưa. Bên cạnh đó, các công trình TĐ cũng gây ra những tác động tiêu cực, lấy đi hơn 7.350 ha đất các loại, ảnh hưởng đến 8113 hộ dân với 33.165 khẩu; đồng thời gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái…

Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.
Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.

Liên quan đến những tác động ngoài mong muốn của các công trình TĐ, có thể dẫn chứng từ Sêrêpôk 4A. DA này có công suất 64MW, do Công ty Cổ phần Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư đã chính thức phát điện hòa vào lưới điện quốc gia từ đầu tháng 1-2014. Được biết, nguồn nước thủy điện này được lấy trực tiếp từ cửa xả của thủy điện Sêrêpôk 4 qua tuyến kênh dẫn dòng dài khoảng 15km từ Ea Wer qua xã Krông Na, sau đó mới đổ về đoạn sông Sêrêpôk ở xã Ea Huar, nên vào mùa khô, đoạn sông chảy qua các xã này và Vườn quốc gia Yok Đôn đã bị cạn kiệt nước. Bên cạnh đó, theo thống kê sơ bộ của huyện Buôn Đôn, từ khi bắt đầu thi công đến nay, TĐ Sêrêpôk 4A đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân các địa phương như: công tác thi công làm cản trở các dòng kênh, mương dẫn đến thiếu nước sản xuất của 17 hộ dân (gần 14 ha) tại cánh đồng Ma Phương – xã Krông Na và 109 hộ dân (41 ha) tại cánh đồng thôn 9 – xã Ea Wer, gây hư hỏng gần 10,3 km tỉnh lộ 1. Việc nổ mìn xây dựng công trình đã tác động làm hư hỏng vật kiến trúc, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống của 314 hộ; vỡ kênh dẫn dòng gây ngập úng gần 60 ha của 160 hộ dân trên địa bàn…

Đến hài hòa lợi ích

Vừa qua, Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đã tiến hành đợt “Giám sát việc xây dựng các công trình thủy điện gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng và ổn định trật tự xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn” tại các huyện: Lak, M’Drak, Buôn Đôn và Krông Ana, đồng thời làm việc với Sở Công thương, các địa phương và chủ đầu tư các DATĐ. Theo đánh giá của các thành viên đoàn giám sát, bên cạnh lợi ích lớn về kinh tế - xã hội đối với quốc gia và địa phương, các công trình TĐ cũng đã tác động không nhỏ đến môi trường sinh thái cũng như đời sống của người dân vùng ảnh hưởng dự án. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để vấn đề “hậu thủy điện” không còn là nỗi băn khoăn của chính quyền địa phương cũng như người dân, cần tạo sự hài hoà về lợi ích của quốc gia, địa phương, các chủ đầu tư và người dân.

Thủy điện đã gây ảnh hưởng đến nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.
Thủy điện đã gây ảnh hưởng đến nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, thời gian qua, để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của các DATĐ, chính quyền tỉnh, huyện cũng như các nhà đầu tư đã thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định canh, định cư cho người dân bị thu hồi đất, cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh. Liên quan đến những tác động của thủy điện Sêrêpôk 4A, chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Thủy điện Buôn Đôn sẽ tiến hành lập phương án đền bù một số nội dung như: thiệt hại do nổ mìn làm hư hỏng nhà ở, vật kiến trúc; xác định ngày công không lao động của người dân trong thời gian nổ mìn nằm trong bán kính mất an toàn; xử lý chất thải và bồi thường cho người dân do Công ty đổ chất thải trên đất sản xuất; việc thi công kênh mương thủy điện gây ngập úng lúa, hoa màu hoặc thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án. Bên cạnh đó, công ty sẽ có biện pháp đầu tư bổ sung xây dựng đường ống thoát nước tránh gây ngập úng cho vùng bị ảnh hưởng. Ông Trần Đức Thanh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: tại buổi làm việc với UBND huyện Buôn Đôn và Công ty Cổ phần Thủy điện Buôn Đôn ngày 27-5 vừa qua, Ban đã yêu cầu chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc đo đạc xác định cụ thể thiệt hại, và sau khi lập xong các phương án bồi thường cần công khai trước người dân trong vùng dự án, xử lý dứt điểm các tồn đọng, không để dây dưa kéo dài. Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải hỗ trợ, bồi thường cho người dân đầy đủ, đúng đối tượng, đúng pháp luật trong thời gian sớm nhất.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo Tây Nguyên: toàn khu vực hiện có 118 DATĐ đã hoàn thành, phát điện (tổng công suất thiết kế 5.978 MW), 75 DA đang thi công, dự kiến từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành (tổng công suất 1.945 MW. Các công trình TĐ trên địa bàn hàng năm đóng góp khoảng 20% tổng công suất cho hệ thống điện quốc gia, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.