Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nhiều máy móc nông nghiệp do Chương trình 135 hỗ trợ không phát huy hiệu quả

09:51, 23/06/2014
Năm 2004, các hộ nghèo một số xã vùng 3 của huyện Krông Bông được hỗ trợ máy sấy ngô và máy gieo sạ lúa từ Chương trình 135.
 
Từ người cấp cho đến  người nhận đều phấn khởi, hy vọng các loại máy móc này sẽ phát huy tác dụng, thế nhưng từ đó đến nay những phương tiện máy móc ấy hoạt động không hiệu quả, thậm chí bị bỏ không rất lãng phí.

Nguyên nhân là các loại máy móc này hoặc là không phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương hoặc là có công nghệ lạc hậu, không phát huy hiệu quả. Diện tích lúa nước ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Krông Bông nhỏ lẻ, manh mún, nhiều vùng đất sình lầy, có nơi lội sâu hơn đầu gối nên việc dùng máy sạ hàng không thích hợp; mặt khác so với gieo sạ thẳng thì việc dùng máy sạ hàng vừa cồng kềnh, vừa tốn kém thời gian, năng suất lúa trên diện tích gieo sạ hàng cũng không cao hơn gieo sạ thẳng. Vì thế,  sau một thời gian, các máy gieo sạ lúa bị người dân để bừa bãi ngoài sân dẫn đến hư hỏng, cuối cùng đem ra bán phế liệu. Các máy sấy ngô kiểu đứng thì công nghệ lạc hậu, ngoài chiếc máy nổ nhãn hiệu Đông Phong (Trung Quốc) công suất 16 sức ngựa có thể sử dụng vào nhiều mục đích, còn lại thùng chứa ngô, bộ phận chứa than, pôly cánh quạt quá nhỏ, khi vận hành không đủ sức gió khiến than lâu tỏa nhiệt, khối lượng ngô mỗi lần sấy trong 2 giờ chỉ được khoảng 100 kg, nếu 1 ha ngô lai đạt năng suất trung bình 8 tấn, thì cũng phải sấy liên tục trong suốt 16 tiếng đồng hồ, do đó vừa tốn nhiên liệu vừa  tốn công sức. Kết quả là các máy sấy ngô trở thành đống sắt vì không sử dụng được.

Ông Y Drê Byă ở buôn Hngô A (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cho biết: “Năm đó mình là buôn trưởng, được Nhà nước cấp cho một cái máy sấy ngô để phục vụ cho dân làng. Không được ai hướng dẫn kỹ thuật nên mình phải mò mẫm mãi để lắp ráp nhưng không biết số lượng than cần bao nhiêu là đủ, nên khi đưa vào sử dụng gặp nhiệt độ cao lưới bị cháy, ngô khô không đều, chỗ thì cháy sém, chỗ thì vẫn khô chưa đủ độ, hơn nữa công suất quá thấp, tốn nhiều công nên mình lấy máy nổ dùng vào việc khác, còn máy sấy thì bỏ không ở góc nhà…”. Tương tự  tình trạng trên, ở các xã Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao, nhiều máy móc được chương trình hỗ trợ giờ cũng chỉ còn là đống sắt hoen rỉ, sử dụng thì không được mà bán thì lại chẳng ai mua.

Thiết nghĩ, đối với người nghèo, nhất là đồng bào  dân tộc thiểu số  ở vùng đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ máy móc nông nghiệp là việc cần thiết, song không nên hỗ trợ cho người dân những máy móc công nghệ lạc hậu, không sử dụng được gây lãng phí. Hơn nữa, nếu chỉ cho chiếc “cần câu” mà không hướng dẫn cho họ biết  “cách câu” thì sẽ không mang lại hiệu quả. Hy vọng qua thực tế trên, các ngành chức năng nên khảo sát nhu cầu của người dân để có phương án hỗ trợ thiết thực hơn.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.