Không nên đổ xô trồng giống tiêu lạ
Thời gian gần đây, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh bày bán đại trà giống tiêu rừng Amazon với giá cao. Mặc dù đây là giống tiêu mới, năng suất, chất lượng đến nay chưa được kiểm chứng, nhưng vẫn được bà con nông dân trồng nhiều, tạo nên “cơn sốt” về giống tiêu này và tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Đua nhau trồng tiêu lạ
Tiêu rừng Amazon là giống tiêu được ghép với cây tiêu rừng, hay còn gọi là trầu không Nam Mỹ (Piper Colubrinum link). Trong vai một nông dân đi mua tiêu giống về trồng thay thế vườn tiêu bị chết nhanh, tôi tìm đến một cơ sở bán cây giống trên đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột và được các chủ cơ sở săn đón, mời chào. Hiện trên thị trường, giá mỗi cây tiêu ghép Amazon từ 25.000-35.000 đồng, cao gấp 4 – 5 lần so với giá các loại tiêu khác. Để đáp ứng nhu cầu của người mua, các cơ sở sản xuất cây giống sẵn sàng cung ứng các loại tiêu rừng Amazon khác nhau: mua gốc về tự ghép, giá 20.000 đồng/cây; tự chọn giống mang tới cơ sở sản xuất để ghép, giá 23.000 đồng/cây... Đưa chúng tôi đi thăm vườn ươm giống của mình, chủ cơ sở sản xuất cây giống Đức Bảy, thôn 11 xã Hòa Thắng quảng cáo rằng: thân loại cây giống này chắc khỏe, chống được rầy và bệnh chết nhanh, chết chậm…, người mua phải đặt cọc trước, khi có hàng thì chủ cơ sở gọi đến lấy. Cơ sở của anh có thể cung cấp cây giống số lượng không hạn chế và đến nay đã bán và nhận đơn đặt hàng hơn 1.000 cây tiêu rừng Amazon.
Tiêu rừng Amazon chưa được kiểm chứng chất lượng được bày bán tại các cơ sở sản xuất cây giống. |
Anh Nguyễn Văn Vĩnh, xã Krông Búk (Krông Pak) cho biết, gia đình có 500 trụ tiêu 10 năm tuổi, năng suất bình quân 2,5-3 tấn/năm, nhưng hai năm trở lại đây, tiêu thường xuyên bị chết nhanh, giờ chỉ còn hơn 300 trụ còi cọc, yếu ớt, năng suất thấp. Thấy người dân trong xã mua tiêu rừng Amazon về trồng trên những vùng đất trũng vẫn phát triển tốt, nên anh cũng đặt mua 200 cây và phải đặt cọc trước 1 tháng mới có giống.
Được biết, đến nay chưa có con số thống kê về diện tích tiêu rừng Amazon trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên qua theo dõi được biết, giống tiêu này được trồng nhiều ở huyện Ea H’leo từ cách đây 2 năm. Thời gian gần đây, loại cây này cũng được trồng nhiều ở các địa phương khác nhưng chưa cho thu hoạch nên không thể đánh giá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của loại tiêu mới này.
Người nông dân cần thận trọng!
Những năm gần đây, tình hình sâu bệnh trên cây tiêu diễn biến phức tạp khiến bệnh chết nhanh diễn ra liên tục. Để phòng chống bệnh này, bà con nông dân đã tự tìm tòi, sản xuất ra giống tiêu mới bằng cách ghép tiêu nhà với tiêu rừng, và được trồng đầu tiên ở hai tỉnh Đồng Nai, Bình Phước năm 2009. Đến nay các vườn tiêu này đã cho thu bói, cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, thân to, chắc khỏe, nhưng trái ít, chất lượng tiêu cũng không thơm và cay như các giống tiêu khác.
Một cơ sở sản xuất cây tiêu giống trên đường Nguyễn Lương Bằng. |
Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn 6, xã Ea Ning (Cư Kuin) cho biết: đầu năm 2013 anh vào thăm một người quen ở Đồng Nai và đã mua 10 cây tiêu Amazon về trồng thử. Mùa mưa mặt đất ẩm ướt, nước đọng quanh hố trồng nhưng cây tiêu vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, những ngày nắng hạn, cây lại cần nước gấp ba lần các giống tiêu khác, chỉ cần 1 tuần nắng nóng, không có mưa, không tưới nước là cây tiêu héo rũ. Lý giải về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, gốc ghép của tiêu rừng Amazon là loài thân dây leo sống trong rừng, được bao bọc bởi các loại cây khác nên chịu ẩm tốt. Khi trồng trong môi trường thâm canh, cây dễ thích nghi với những vùng đất ẩm ướt, nhưng khi gặp nắng hạn kéo dài, đất khô khiến cây bị héo rũ. Do vậy, người trồng tiêu rừng Amazon phải tưới nước quanh năm, kích thích cành, lá phát triển, khiến cây không có thời gian phân hóa mầm hoa nên ít trái, chất lượng hạt tiêu cũng không được bảo đảm. Mặt khác, khi tưới nước quanh năm thì chi phí sản xuất không chỉ tăng lên mà còn làm cạn kiệt nguồn nước ngầm trong đất, ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, việc kháng bệnh chết nhanh như giới thiệu của các cơ sở sản xuất và bán giống tiêu này vẫn chưa được chứng minh. Bởi bệnh chết nhanh trên cây tiêu là do nấm thủy sinh Phytophthora sống trong đất gây ra. Thực tế, nếu đất có nấm bệnh thì các loại cây trồng khác như cà phê, ca cao… vẫn bị nhiễm bệnh. Do vậy, thay vì trồng giống tiêu này, bà con nông dân nên tập trung chăm sóc vườn tiêu truyền thống một cách bền vững, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế phân hóa học, trồng đúng mật độ, theo quy hoạch, sử dụng trụ sống để che bóng vào mùa khô, cắt tỉa cành cây che bóng, dây tiêu bò trên mặt đất vào mùa mưa, đào rãnh thoát nước để tránh ngập úng… Còn tiêu ghép Amazon, bà con chỉ nên trồng thử nghiệm trên một diện tích nhỏ để so sánh, đối chứng để hạn chế thiệt hại kinh tế có thể xảy ra.
Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT cho biết, tiêu rừng Amazon chưa xác định được nguồn gốc, nhưng vẫn được bà con nông dân trồng tự phát hai năm trở lại đây và Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) giao cho Sở theo dõi việc trồng giống tiêu mới này. Theo ghi nhận của cán bộ chuyên môn, cây tiêu phát triển bình thường. Tuy nhiên, do cây giống quyết định 60-70 % năng suất, chất lượng sản phẩm, nên Sở khuyến cáo khi trồng cây này, bà con nông dân nên tìm hiểu rõ lai lịch của cây giống để tránh các rủi ro.
Giống tiêu rừng Amazon được bày bán tự phát tại các cơ sở sản xuất cây giống, nhưng tại Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên không sản xuất và bày bán giống tiêu này. Viện đang làm đề cương nghiên cứu giống tiêu rừng Amazon để trình lên Bộ NN-PTNT. Dự kiến, đề tài này sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.
Nguyễn Hường
Ý kiến bạn đọc