Multimedia Đọc Báo in

Những giải pháp tích cực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững

09:04, 15/06/2014

Tạo điều kiện vốn vay, thực hiện cấp đất ở, đất sản suất, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, đào tạo nghề, xây dựng mô hình giảm nghèo… là những giải pháp mà tỉnh ta đang triển khai thực hiện trong những năm qua nhằm giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Có được căn nhà kiên cố để vượt qua nỗi gian truân trong cuộc sống là niềm vui không gì sánh được của các hộ nghèo vùng khó khăn. Với gia đình anh Y Thanh Niê ở buôn K62, xã Băng Drênh (huyện Krông Ana) căn nhà tạm tranh tre vách nứa chưa đầy chục mét vuông năm xưa giờ đã được thay thế bằng căn nhà xây mới khang trang, mưa bão không còn phải lo lắng bị sập. Không chỉ riêng Y Thanh mà nhiều gia đình khác như: Y Ben Niê, Y Blok Ênuôl, Y Thac Êbuôl, Y Zem Hdrêu… sau khi được Mặt trận và các đoàn thể hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết đã ổn định cuộc sống, chăm chỉ làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Buôn trưởng Ama Huynh cho biết: “Nếu như trước 2004, cả buôn có gần 50% hộ nghèo (10 hộ đói không có đất sản xuất), nhà ở tạm bợ, thì nay không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 3 nhà. Các gia đình không có đất ở, đất sản xuất đã được Đảng, Nhà nước hỗ trợ đầy đủ, qua đó giúp nhân dân ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo”.

Thanh niên người dân tộc thiểu số chia sẻ kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật  chăm sóc cà phê cho năng suất cao.
Thanh niên người dân tộc thiểu số chia sẻ kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cà phê cho năng suất cao.

Hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong quá trình xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết lớp 7, chị H’Diệp Hlong ở buôn Knăk, xã Buôn Triết (huyện Lak) phải ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. Nhà chị có 3 ha đất nông nghiệp gần đập nước lớn Buôn Triết thuận lợi cho việc canh tác lúa nước, nhưng do thiếu vốn và chưa tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa chỉ đạt mức 3-5 tạ/sào. Sau khi được tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với quyết tâm không để đói nghèo đeo bám, chị đã tích cực tham gia tập huấn, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy năng suất lúa đã nâng lên 8 tạ/sào. Từ đó cuộc sống gia đình thoát nghèo và ngày một khấm khá. Có vốn chị đầu tư mua thêm đất trồng cà phê và chăn nuôi bò nên mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình chị H’Diệp trên 120 triệu đồng. Để giúp đỡ những hộ thanh niên khác cùng thoát nghèo chị đã cho 4 hộ thanh niên vay vốn với số tiền 40 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất và các gia đình này cũng đã thoát nghèo. Cũng như gia đình chị H’Diệp Hlong, gia đình anh Y Ngoắt Niê (SN 1984) ở buôn Riêng A, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) gặp không ít khó khăn khi khởi nghiệp. Sau khi lập gia đình anh được bố mẹ chia cho 5 sào cà phê. Do không có tiền đầu tư chăm sóc nên năng suất đạt thấp. Được tham gia các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tại buôn, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất cà phê ngày càng tăng. Tích góp được ít vốn anh tiếp tục mua thêm đất mở rộng diện tích trồng cà phê. Từ 5 sào ban đầu đến nay anh đã có 20 ha cà phê mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều thanh niên trong buôn.

Bên cạnh những hộ dân như anh Y Ngoắt, chị H’Diệp thì trên địa bàn tỉnh còn có hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được hưởng lợi từ các chương trình do các cấp, ban ngành triển khai. Thực hiện các Chương trình 132, 134, 1592… của Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đến nay, tỉnh Dak Lak đã có hơn 11.060 hộ gia đình được cấp 289 ha đất ở và gần 15.500 hộ gia đình được giải quyết đất sản xuất, với diện tích trên 5.543 ha. Tỉnh cũng đã cấp vườn cây cà phê, tạo điều kiện kinh doanh cho 1.937 hộ gia đình, với diện tích gần 600 ha; đồng thời, tỉnh cũng đưa 65 hộ gia đình vào làm công nhân ở các doanh nghiệp; giao khoán 3.953 ha rừng cho 170 hộ quản lý, bảo vệ theo Quyết định 304 của Chính phủ; hỗ trợ 1.503 con bò sinh sản cho 1.451 hộ chăn nuôi…

Việc đầu tư nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng này hằng năm lên 27,68 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,99%. Cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp điện, nước sinh hoạt… đã được đầu tư cơ bản phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nhất là chất lượng giáo dục, điều kiện chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng về văn hóa tinh thần từng bước được cải tiến. Năm 2014, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn 8,99%; trong đó tập trung các biện pháp giảm nghèo tại các vùng, địa phương có số hộ nghèo còn cao, bảo đảm giảm nghèo nhanh, bền vững.

Nguyễn Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.