Multimedia Đọc Báo in

Phát triển "nóng" diện tích trồng cao su: Hệ quả đã được báo trước

09:34, 24/06/2014

Mấy tháng gần đây, cao su rớt giá liên tục khiến người làm cao su điêu đứng, nhiều nơi đã dừng việc thu hoạch mủ cao su do "thu" không đủ bù "chi". Đáng nói là vấn đề này đã từng được cảnh báo…

Dừng thu hoạch... vì lỗ

Thông thường cao su bắt đầu khai thác giữa tháng 4 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Ngay từ tháng 1 năm nay giá cao su vẫn ở mức 57 triệu đồng/tấn. Nhưng từ tháng 2 đến nay, giá liên tục giảm, và thời điểm này tuy cao su đã bước vào khai thác chính vụ, nhưng giá thu mua ở các đại lý mủ nước dao động ở mức 296-310 đồng/độ (khoảng 39 đến 40 triệu đồng/tấn), so cùng kỳ năm ngoái giảm 100 đồng/độ. Đáng ngại là theo bảng giá do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cập nhật, giá trong những ngày gần đây liên tục “xuống dần đều”, khiến người trồng cao su tiểu điền thật sự rơi vào khó khăn. Nhiều chủ vườn chỉ cạo cầm chừng, tiết giảm chi phí, hạn chế đầu tư, hay thậm chí dừng khai thác. Ông Nguyễn Xuân Thi, người có 20 ha cao su tại huyện Cư M'gar cho biết, trong điều kiện bình thường, với diện tích 20 ha ông thuê 7 người cạo mủ, mỗi tháng trả tiền lương hết khoảng 30 triệu đồng. Còn chi phí đầu tư cho vườn cây mỗi năm hết khoảng từ 20 – 25 tấn phân bón (mỗi tấn hơn 10 triệu đồng), tương đương  khoảng 250 triệu đồng. Với mức giá bình quân năm vừa rồi khoảng 500 đồng/độ, ông còn có lợi nhuận, còn giá quá thấp như hiện nay mà đầu tư như năm trước thì lỗ nặng. Chính vì vậy, mặc dù đã bước vào mùa cạo mủ, nhưng vườn cây của ông vẫn chưa thực hiện việc khai thác. “Nếu bỏ công tự khai thác thì còn lãi chút đỉnh, còn phải thuê mướn người cạo, người trút mủ thì có nước lỗ thôi. Nhưng vài ba ha thì tự làm được, còn diện tích lớn như của tôi tự khai thác sao xuể” - ông Thi than thở. Trong khi đó ở nhiều vườn cao su liên kết, nông dân cũng đã ngừng cạo mủ vì tiền bán sản phẩm thấp hơn chi phí. Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak hiện có gần 4 nghìn ha liên kết đang ngừng cạo mủ hoặc cạo mủ cầm chừng, khiến sản lượng toàn công ty năm nay có thể sụt giảm hơn 3 nghìn tấn. Theo một đại diện của Công ty TNHH MTV Cao su Dak Lak, với mức giá này, trung bình mỗi tấn cao su xuất khẩu các doanh nghiệp lỗ từ 5 đến 7 triệu đồng, còn với các nông hộ thu nhập từ tiền bán mủ cao su không đủ bù chi phí công khai thác cho nên nhiều nông hộ đã ngừng cạo.

Diện tích cao su liên tục tăng trong những năm gần đây.
Diện tích cao su liên tục tăng trong những năm gần đây.

Hệ quả đã được báo trước

Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg, ngày 3-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tổng diện tích quy hoạch trồng cao su trên đất lâm nghiệp là 164.586 ha. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2008-2012, tổng diện tích cao su đã trồng được là 72.480 ha, đưa diện tích cao su toàn vùng Tây Nguyên lên 235.000ha/350.000ha quy hoạch. Riêng tại Dak Lak, tổng diện tích cao su hiện có khoảng 37.199 ha. Với tốc độ tăng nhanh như vậy, diện tích đồng thời cho thu hoạch vào cùng một thời điểm tăng lên rất nhanh, chưa kể những diện tích đã cho thu hoạch trước đó. Tuy nhiên, việc quy hoạch diện tích cây cao su đã không đi kèm với việc bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Điều này hoàn toàn phù hợp với dự báo của Công ty Tư vấn Rubber Economist Ltd (có trụ sở tại London, Anh). Theo Rubber Economist Ltd, năm 2016 cung sẽ vượt cầu khoảng 316.000 tấn, giảm so với 483.000 tấn của năm 2015. Hồi tháng 3, công ty tư vấn này cũng đã tăng dự báo dư thừa cao su trong năm nay thêm 78% khi sản lượng cao su tại Thái Lan - nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới cao hơn dự đoán. 

Giá mủ cao su xuống thấp khiến người trồng cao su gặp nhiều khó khăn.
Giá mủ cao su xuống thấp khiến người trồng cao su gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) cũng nâng dự báo sản lượng cao su thiên nhiên sẽ tăng khi cây cao su trồng năm 2006-2008 trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch. Dư thừa cao su thiên nhiên trong năm thứ 6 liên tiếp có thể tiếp tục làm giảm giá cao su thiên nhiên đến tận năm 2016 khi cây cao su trưởng thành, giúp tăng sản lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu tại Trung Quốc - nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Thực tế khách quan cho thấy cây cao su đã làm thay đổi nhiều vùng đất, nhiều gia đình từ nghèo khó nay vươn lên giàu có, nhất là người trồng cao su ở Tây Nguyên. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến nay các dự án trồng cao su đã đầu tư trực tiếp trên 585 tỷ đồng; đã xây dựng được nhà làm việc, nhà ở công nhân và xây dựng hệ thống đường giao thông trong vùng dự án; thu hút được gần 2 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là người dân địa phương. Vậy nhưng khi giá cao su xuống thấp, các doanh nghiệp dừng việc thu hoạch cũng đã kéo theo hệ quả về mặt xã hội khi áp lực việc làm đang đè nặng lên vai người lao động.

Tâm lý của người trồng cao su hiện đang "nóng" lên vì giá thu mua thấp. Vì vậy các cơ quan chức năng cần sớm có phương án hợp lý để giúp người trồng cao su từng bước thu lại đúng giá trị sản phẩm mình làm ra, có thị trường tiêu thụ hiệu quả.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc