Sản xuất gạch xây dựng: Bế tắc đầu ra!
Thời gian qua, thị trường gạch, ngói xây dựng rơi vào tình trạng ế ẩm, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải sản xuất cầm chừng, số lượng sản phẩm tồn kho nhiều do bế tắc đầu ra.
Trước đây, phần lớn các nhà máy gạch thường hoạt động từ 100 đến 150% công suất lò nung, nhưng thời điểm này sức mua của thị trường vật liệu xây dựng nói chung, gạch, ngói nói riêng khá trầm lắng nên các DN chỉ duy trì hoạt động với công suất 50 – 70%. Trên địa bàn huyện Krông Ana hiện có gần 100 cơ sở sản xuất gạch xây dựng với 200 cửa đốt lò (hầu hết là lò đứng liên tục) tổng công suất gần 250 triệu viên/năm, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Dak Lak và Dak Nông. Ông Phan Ngọc Khán, Phó trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Krông Ana cho biết, những năm gần đây việc sản xuất, tiêu thụ gạch của các cơ sở gặp nhiều khó khăn, hầu hết các lò hoạt động không hết công suất, chỉ có khoảng 50% số cơ sở duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, còn lại đều thua lỗ, ngừng sản xuất hoặc đóng cửa lò.
Anh Cao Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải My (buôn M’lớt, thị trấn Buôn Trấp – huyện Krông Ana) cho biết: cơ sở sản xuất mỗi ngày cho ra lò 40.000 viên, thị trường tiêu thụ khá ổn định; tuy nhiên, mấy năm gần đây các công trình xây dựng bị cắt giảm, ngừng thi công khiến thị trường tiêu thụ gạch bị thu hẹp. Giá thành sản phẩm giảm, nên việc sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận chỉ đủ trang trải chi phí mua nguyên, vật liệu và trả lương công nhân.
Sản xuất gạch tại Công ty TNHH MTV Hải My. |
Theo phản ánh của các đơn vị sản xuất thì đây là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của việc sản xuất gạch, vì tại một số đơn vị giá bán chỉ bằng giá thành sản phẩm, nhưng lượng tiêu thụ vẫn chậm. Không những thế, việc tăng giá cước vận chuyển cũng làm tăng giá nguyên, vật liệu khiến các cơ sở sản xuất gạch càng thêm chật vật. Cơ sở nung gạch của Công ty TNHH Việt Tiến Anh (buôn Kô, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) được thiết kế 8 cửa lò đốt với công suất 144.000 viên/lò/tháng. Trước đây, gạch ra lò bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, nhưng gần đây lò chỉ hoạt động 50% công suất, nhưng hàng vẫn tồn đọng khá nhiều. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng khoảng 15% do tăng giá vận chuyển, than đốt, bao ni lông, trong khi giá bán từ 450 đồng/viên thời điểm đầu năm, nay giảm còn 420 đồng/viên, càng khiến sản xuất thêm ảm đạm. Ông Vũ Hoàng Vân, Giám đốc Công ty Việt Tiến Anh cho biết, trước tình hình khó khăn hiện nay, đóng cửa lò đồng nghĩa với việc phá sản; mặt khác nếu giảm chi phí sản xuất và kích thước gạch sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm, mất uy tín với người tiêu dùng, nên đơn vị cố cầm cự, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Những khó khăn trên cũng đang là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạch trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Krông Ana nói riêng. Nhiều đơn vị đang tìm cách phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng do chi phí vận chuyển cao, khiến giá bán sản phẩm giảm xuống nên họ cũng không thật sự mặn mà. Trong khi đó, một số DN cũng đã tính đến chuyện chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch không nung, nhưng giải pháp này cũng rất khó thực hiện, bởi đây là công nghệ mới, giá thành cao, hiệu quả chưa được khẳng định. Bởi vậy, trong khi chưa tìm được hướng đi hiệu quả, các DN sản xuất gạch chỉ biết chờ đợi vào sự phát triển của thị trường để kích cầu sản xuất trong thời gian tới.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc