Tái canh cây cà phê trên địa bàn Dak Lak – Nhìn từ phía ngân hàng
Dak Lak là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 200.000 ha, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch hơn 190.000 ha, sản lượng niên vụ 2013-2014 đạt 350.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 toàn tỉnh đạt 700 triệu USD, đóng góp trên 40% GDP của tỉnh và đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 350.000 lao động trực tiếp và khoảng 120.000 lao động gián tiếp. Để triển khai thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, vào hạ tuần tháng 6-2013 tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh và Agribank đã phối hợp tổ chức Hội nghị về giải pháp tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Tại hội nghị đã có 10 biên bản ghi nhớ được ký với 163,55 tỷ đồng vốn đầu tư tái canh cho 955,7 ha. Đây là 10 dự án tái canh mở đầu cho một chương trình đầu tư lớn của Agribank đối với cây cà phê – cây xuất khẩu chủ lực của tỉnh Dak Lak.
Tham khảo mô hình tái canh ở Công ty Cà phê Việt Đức. |
Tiếp đó, ngày 6-1-2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020. Theo đó, từ năm 2013 – 2020 tỉnh có kế hoạch tái canh 27.775 ha cà phê do già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, cụ thể chia ra các năm như sau: năm 2014: 3.758 ha; năm 2015: 4.423 ha; năm 2016: 3.497 ha; năm 2017: 3.769 ha; năm 2018: 4.259 ha; năm 2019: 4.110 ha; năm 2020: 3.959 ha (bình quân mỗi năm khoảng 4.000 ha có nhu cầu tái canh). Để thực hiện tái canh cho diện tích cà phê nêu trên cần một lượng vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của Agribank (ước khoảng 3.000 tỷ đồng). Về phía Ngân hàng, chương trình tái canh cây cà phê sẽ tạo điều kiện để Agribank tiếp tục mở rộng đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thương hiệu và năng lực tài chính, góp phần thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, sau gần một năm triển khai, kết quả đạt được còn rất khiêm tốn. Cụ thể: có 269 khách hàng được vay vốn để trồng mới, ghép, cải tạo, với số tiền 109.855 triệu đồng trên diện tích 732 ha (trồng mới 296 ha; ghép, cải tạo 436 ha); trong đó, hộ sản xuất (HSX) vay 47.325 triệu đồng, diện tích 263ha, còn lại là đầu tư cho 6 doanh nghiệp, với số tiền 62.530 triệu đồng, chiếm xấp xỉ 57% số vốn đã được giải ngân.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì kết quả đạt được chưa cao, tiến độ triển khai chậm so với lộ trình do một số nguyên nhân chính sau đây:
- Từ trước tới nay việc thay thế cây cà phê già cỗi, năng suất thấp chỉ thực hiện một cách tự phát ở HSX, theo các hình thức: trồng dặm, phá bỏ, trồng mới ở diện tích nhỏ lẻ và chỉ từ một đến hai năm sau cây cà phê bị bệnh do việc cải tạo đất chưa thực hiện đúng quy trình. Việc thực hiện tái canh cà phê trên diện rộng, quy mô lớn đối với HSX trên địa bàn tỉnh là chưa có tiền lệ, nên còn tâm lý đắn đo, cân nhắc…
- Nguồn lực tài chính của HSX là có hạn, trong khi diện tích cà phê chủ yếu nằm trong các HSX (ước khoảng 85% diện tích cà phê trên địa bàn, tương đương 172.000 ha). Trong khi chi phí cho tái canh là rất lớn (từ 100-150 triệu đồng/ha), phần tín dụng ngân hàng tham gia tối đa 80%, phần còn lại là vốn tự có của HSX tối thiểu từ 20-30 triệu đồng/ha là chi phí HSX phải bỏ ra), ngoài ra còn chi phí trả lãi vay và các chi phí khác.
- Trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, chế biến cà phê đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 350.000 lao động trực tiếp và khoảng
120.000 lao động gián tiếp. Trong thời gian tái canh (ít nhất phải mất từ 3-4 năm sau mới có thu hoạch), nguồn thu nhập chính của HSX và việc làm bị ảnh hưởng.
- Lãi suất cho vay đầu tư tái canh cây cà phê còn cao so với tính chất của đối tượng đầu tư (hiện nay cho vay thấp hơn 2%/năm so với lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn). Hiện tại, Agribank đang tự cân đối nguồn vốn để cho vay, chưa có chính sách hỗ trợ từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, cũng như chính sách cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách.
- Tái canh cà phê ngoài nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng, còn là tổng thể các giải pháp, như: cây giống, kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch và cả sự quyết tâm của nhiều ngành, nhiều cấp. Trong đó HSX, doanh nghiệp là động lực chính, quyết định sự thành công của chương trình tái canh cây cà phê. Về tổng thể toàn ngành cà phê, nếu tái canh theo lộ trình đã đặt ra thì sản lượng cà phê sẽ giảm đáng kể do diện tích tái canh là rất lớn (riêng Dak Lak có trên 13% diện tích cà phê có nhu cầu tái canh trong những năm 2014-2020). Điều này cũng cần được cân nhắc giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.
Như vậy, có thể rút ra nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng tiến độ tái canh cây cà phê tập trung ở các khâu như: quy hoạch, vốn, giống và sự vào cuộc còn dè đặt của hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong đó, khâu yếu nhất là vấn đề vốn, lãi suất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn.
Với thực trạng nêu trên, mới đây, tại TP. Buôn Ma Thuột, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì Hội nghị bàn về chính sách hỗ trợ tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Hội nghị tập trung thảo luận về chính sách hỗ trợ trồng tái canh cây cà phê và dự thảo trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tái canh cà phê. Theo đó, chính sách hỗ trợ mà hội nghị đề xuất có các kênh: Ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như: quy hoạch, kế hoạch; xây dựng vườn giống; cây giống; hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đào tạo cán bộ quản lý… Kế đến là về chính sách tín dụng có cơ chế về lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 1-2%/năm. Ngân sách nhà nước thực hiện chính sách cấp bù lãi suất hoặc tái cấp vốn cho Ngân hàng Thương mại. Ngoài ra còn có các nguồn hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn vay lãi suất thấp của Ngân hàng Thế giới (WB); ngân sách địa phương; từ các chương trình dự án của Trung ương và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác…
Những chính sách trên đây nếu được Chính phủ chấp thuận sẽ thực sự là “cú hích” tạo động lực mới để đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng.
Phan Quốc Lương
(Agribank Dak Lak)
Ý kiến bạn đọc