Di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, ngập lụt: Còn nhiều nỗi lo
Trước tình hình lũ, lụt thường xuyên xảy ra thì nhiệm vụ quy hoạch, bố trí lại dân cư vùng nguy cơ ảnh hưởng thiên tai là vô cùng cần thiết. Dak Lak hiện có 6 dự án di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, ngập lụt. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, mặt bằng tái định cư nên công tác bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai chưa được như mong muốn.
Những nỗ lực ban đầu
Có thể thấy trong những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn Dak Lak có những diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, nhất là các loại thiên tai như: mưa kèm theo dông, sét, lốc xoáy, ngập lụt, sạt lở ven sông… thường xuyên xảy ra, tập trung chủ yếu ở các xã Ia R’vê, Ia Lốp, Ea Bung (huyện Ea Súp); Hòa Lễ, Ea Trul (huyện Krông Bông); Ea Wer (huyện Buôn Đôn); Bình Hòa (huyện Krông Ana)… đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản và các công trình kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng.
Để giải quyết vấn đề cấp bách trên, giúp dân chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, từ năm 2006-2012 UBND tỉnh đã phê duyệt 24 dự án quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho các đối tượng theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015. Trong đó có 6 dự án quy hoạch sắp xếp dân cư vùng ngập lụt của 4 huyện: Krông Ana, Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn với 776 hộ, 3.305 khẩu cần thiết phải di dời. Đến nay, đã có 506 hộ, 2.530 khẩu đã được di dời, bằng 65% nhu cầu dự án và 42% so với nhu cầu quy hoạch chung toàn tỉnh. Huyện Ea Súp và Buôn Đôn đã thực hiện đạt 100%; huyện Krông Bông bố trí sắp xếp được 49/127 hộ ở xã Hòa Lễ… Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), việc thực hiện sắp xếp ổn định dân cư vào vùng quy hoạch đã từng bước đi vào nề nếp, các chính sách hỗ trợ đi kèm đều được thực hiện đầy đủ đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển sản xuất trên địa bàn. Hiện các địa phương đã tập trung cao cho công tác quy hoạch dân cư và triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các dự án đã được quy hoạch theo định hướng xây dựng nông thôn mới, tạo thuận lợi cho bà con ổn định chỗ ở, yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập.
Điểm tái định cư ở thôn 4, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đang thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. |
Vẫn chưa hết khó khăn
Thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ cho hộ di dời khỏi vùng thiên tai mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song vẫn còn ở mức thấp. Việc huy động, bố trí ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn khác còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn vốn của Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, nhưng lại không được Trung ương hỗ trợ đồng bộ, nên tiến độ chậm so với kế hoạch; vẫn còn 123 hộ ở xã Ea Trul (huyện Krông Bông) chưa thực hiện được; riêng huyện Krông Ana thì đang thực hiện quy hoạch khu dân cư. Một số điểm tái định cư ở các xã Hòa Lễ, Ea Wer…, người dân đã di chuyển đến ở, nhưng cơ sở, hạ tầng còn thiếu, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng và nước sinh hoạt… Đơn cử như khu dự án ở xã Hòa Lễ, mặc dù 49 hộ đã được sắp xếp, ổn định chỗ ở tại khu 1 được khoảng 8 năm, nhưng mới có điện sinh hoạt trong 2-3 năm nay, còn công trình cấp nước tập trung thì chưa có, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước giếng nhưng rất bấp bênh, thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô. Còn tại khu 2 thì mới quy hoạch xong mặt bằng, cơ sở hạ tầng thiết yếu hầu như chưa có, trong khi người dân vùng di dời đang trông chờ dự án xây dựng xong để họ được sớm chuyển đến ở, ổn định cuộc sống.
Tình trạng thiếu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng tái định cư đang là một khó khăn lớn, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của chương trình. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, tổng vốn đầu tư từ các nguồn mới chỉ đáp ứng được 31% so với nhu cầu thực tế, trong khi hầu hết các dự án đầu tư thuộc chương trình bố trí dân cư đều còn chờ kinh phí. Đặc biệt, Dự án di dời 69 hộ dân thuộc trạm bơm III (thôn 6, xã Bình Hòa) về đồi Ea Chai, xã Bình Hòa, đã xây dựng hồ sơ trình Bộ KH-ĐT thẩm định nguồn vốn, nhưng không có vốn để hỗ trợ cho dự án. Đây thực sự là nỗi khó khăn cho vùng ngập lụt nằm trong lưu vực sông Krông Ana, Krông Nô thường xuyên có lũ hàng năm. Bên cạnh đó, vùng phương án xen ghép để bố trí cho 443 hộ, 2.083 khẩu ở rải rác những nơi có nguy cơ tiềm ẩn thiên tai trên địa bàn 12 xã thuộc 4 huyện (Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin, Buôn Đôn) vẫn chưa được thực hiện, các địa phương mới đang xác định quỹ đất và lập phương án xen ghép tại các xã. Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất ở và một phần đất sản xuất cho các hộ ở vùng dự án và vùng xen ghép gặp rất nhiều khó khăn do một số địa phương quỹ đất dự phòng hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ và quy hoạch bố trí dân cư. Công tác chỉ đạo thực sự chưa đồng bộ, mất cân đối ở nhiều khâu, nhất là khâu cân đối nguồn lực tài chính đầu tư cho các vùng không đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Được biết, theo kế hoạch năm 2014, UBND tỉnh đã phân bổ ngân sách địa phương bố trí 3 tỷ đồng để huyện Krông Ana quy hoạch xây dựng khu tái định cư cho 69 hộ dân thuộc trạm bơm III. Tuy nhiên, công tác di dời dân cư ra khỏi vùng ngập lụt đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, do đó Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh nên xem xét hàng năm đưa vào kế hoạch đầu tư ưu tiên hỗ trợ kinh phí Trung ương và địa phương cho các vùng dự án đang triển khai để sớm ổn định đời sống người dân, tránh tình trạng dang dở như hiện nay.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc