Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Dak Lak bằng hình thức BOT: Hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư
Bộ GTVT vừa chấm dứt vai trò chủ đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh bằng hình thức BOT qua Dak Lak đối với Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (gọi tắt là Công ty Quang Đức) do chậm trễ tiến độ và để xảy ra hàng loạt sai phạm khác trong quá trình triển khai thực hiện Dự án…
Tiến độ... “rùa”
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh từ km 1738+148 đến km 1763+610 (đoạn qua địa bàn tỉnh Dak Lak) do Liên danh Công ty Quang Đức, CTCP Đông Hưng Gia Lai và CTCP Sê San 4A đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được khởi công từ tháng 6-2013. Được sự cho phép của Bộ GTVT, Liên danh này thành lập CTCP BOT Quang Đức. Trong quá trình triển khai Dự án, CTCP BOT Quang Đức lại ký hợp đồng với Công ty Quang Đức làm đại diện chủ đầu tư và liên danh nhà thầu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng kiểm tra thực tế Dự án BOT, đoạn qua thị xã Buôn Hồ. |
Mặc dù được khởi công hơn 1 năm, nhưng thực tế Dự án mới được chủ đầu tư triển khai thi công từ mấy tháng đầu năm 2014. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 7-2014, khối lượng thực hiện của công trình được 40/473,7 tỷ đồng, chỉ đạt 8,4% kế hoạch so với hợp đồng và 30,5% so với tiến độ tổng thể - quá chậm so với yêu cầu. Theo tìm hiểu, nguyên nhân trước hết do liên danh chủ đầu tư không “mặn mà” với Dự án. Cụ thể, sau khi khởi công được một thời gian thì CTCP Sê San 4A đã rút lui không tham gia, còn CTCP Đông Hưng Gia Lai tham gia một cách cầm chừng để nghe ngóng tình hình, do đó toàn bộ hoạt động của Dự án chủ yếu do Công ty Quang Đức đảm nhiệm. Để Dự án được tiếp tục triển khai, Công ty Quang Đức ký đã hợp đồng thi công với các nhà thầu khác. Tuy nhiên, do không minh bạch về tài chính nên các nhà thầu đã đồng loạt ngừng thi công từ đầu tháng 6 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ công trình. Cụ thể, Công ty Quang Đức tạm giữ 20% giá trị các gói thầu, gồm 5% giá trị chờ quyết toán, 5% giá trị để bảo hành công trình và 10% giá trị phần nền đường. Theo lý giải của chủ đầu tư, các khoản tạm giữ là hoàn toàn hợp lý, đúng quy định, đồng thời là “yếu tố” để ràng buộc các đơn vị thi công bảo đảm tiến độ đề ra. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà thầu, cơ chế thanh toán của chủ đầu tư chưa hợp lý, khối lượng tạm giữ, tạm ứng quá cao nên nhà thầu phải dừng thi công do không có kinh phí mua vật liệu và trả chi phí nhân công. Còn theo đánh giá của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, trong quá trình theo dõi diễn biến, tiến độ thi công tại công trình, đơn vị xét thấy năng lực của chủ đầu tư rất yếu kém, các biện pháp khắc phục không hiệu quả, và đó là nguyên nhân dẫn đến tiến độ Dự án chậm trễ.
Muốn nhận thầu phải chiết giảm 30% giá trị hợp đồng
Ngoài khoản tạm giữ 20% như đã nêu ở trên, Công ty Quang Đức còn chèn ép, buộc các nhà thầu phải chiết giảm 30% giá trị các gói thầu vô điều kiện. Đơn cử, Công ty TNHH xây dựng-thương mại G.H (TP. Hồ Chí Minh) – đơn vị nhận thi công gói thầu số 9 và 10 của Dự án (đoạn km1758 – km1760+600 và km1760+600 – km1763+110) phải viết “thư đề xuất nhận thầu” với nội dung “chiết giảm 30% giá trị của gói thầu theo hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt. Theo đó, Công ty G.H chỉ nhận giá trị thanh toán thực tế bằng 70% giá trị ký kết trong hợp đồng nhận thầu; chịu trách nhiệm xuất hóa đơn VAT và lập hồ sơ thanh toán theo đúng giá trị ghi trong hợp đồng giao nhận thầu; bảo đảm thi công đúng hồ sơ thiết kế và tiến độ đề ra…”. Thực tế cho thấy: từ chứng từ giá trị nghiệm thu của 2 gói thầu số 9 và 10 mà Công ty G.H đã thực hiện với tổng kinh phí trên 2,4 tỷ đồng, trong đó gói thầu số 9 nghiệm thu hơn 1 tỷ, gói thầu số 10 trên 1,4 tỷ đồng, theo thỏa thuận chiết giảm 30% giá trị, Công ty G.H phải nộp cho Công ty Quang Đức gần 600 triệu đồng (được chuyển vào số tài khoản của kế toán trưởng). Tuy nhiên, đến nay Công ty Quang Đức mới chỉ chuyển cho Công ty G.H hơn 1,7 tỷ/2,4 tỷ đồng, gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị thi công.
Các nhà thầu tập kết máy móc, dừng thi công công trình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ Dự án. |
Mặt khác, trong quá trình triển khai Dự án, chủ đầu tư thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Cụ thể, khi chấm dứt hợp đồng thi công các gói thầu 1, 3 và 4 của Công ty TNHH H.V, thì Công ty Quang Đức đảm nhận thi công các gói thầu nói trên. Liên quan đến vấn đề này, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, chủ đầu tư đã vi phạm quy định của pháp luật về quy định đấu thầu. Cụ thể, theo Thông tư số 04/2010/TT-BKH, ngày 1-2-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định nhà thầu phải hoàn thành ít nhất 1 hợp đồng tương tự trong 5 năm gần đây mới được đảm nhận thi công, tuy nhiên trong thời gian đó Công ty này chưa thi công công trình giao thông nào nên không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thi công.
Với những sai phạm trên, sau chuyến đi khảo sát thực tế Dự án vào ngày 5-7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chấm dứt hợp đồng đối với Công ty Quang Đức và đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh sớm chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án, không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ công trình…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc