Multimedia Đọc Báo in

Gỡ "bí" cho các công ty lâm nghiệp

09:06, 23/07/2014

Diện tích rừng do các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp quản lý ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Tình trạng mất rừng khó kiểm soát như hiện nay đã và đang đặt ra đòi hỏi bức thiết cho việc đánh giá, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp…

Nhiều vướng mắc

Thành lập từ năm 1978, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Drak được xem là đơn vị làm ăn có hiệu quả của ngành Lâm nghiệp trong tỉnh. Công ty quản lý và bảo vệ hơn 25.740 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 15 nghìn héc-ta rừng tự nhiên. Thời gian gần đây, Công ty đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do ảnh hưởng của tình trạng dân di cư tự do, chặt phá diện tích rừng tự nhiên và lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác hoa màu. Đến thời điểm này, Công ty đã có gần 250 ha rừng và đất rừng đã bị chặt phá, lấn chiếm để trồng cây nông nghiệp.    

Năm 2013, Công ty còn có chỉ tiêu khai thác gỗ tự nhiên là 6000 m3; năm 2014, không còn chỉ tiêu khai thác gỗ, nguồn thu hiện nay của Công ty dựa vào 200 ha rừng trồng đã cho khai thác. Nhưng giá gỗ xuống thấp, trong khi cước phí vận chuyển cao, gỗ rừng không còn có lợi nhuận như trước; thêm nữa, suất đầu tư của Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tính ra một năm chỉ có 150 nghìn đồng/ha nên Công ty cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Nhức nhối nạn phá rừng ở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ea H’mơ (Ea Súp).
Nhức nhối nạn phá rừng ở Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ea H’mơ (Ea Súp).

Khó khăn của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp M’Drak cũng là tình cảnh chung của nhiều công ty lâm nghiệp khác. Các công ty lâm nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác rừng tự nhiên để có nguồn thu. Nhưng 4 năm trở lại đây, Chính phủ có chủ trương tạm dừng khai thác rừng tự nhiên trên toàn quốc, theo đó, chỉ tiêu khai thác gỗ bị cắt giảm, các công ty không cân đối được nguồn vốn hoạt động, trong khi đó năng lực quản trị còn hạn chế nếu không nói là gần như trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Về nguyên tắc, các công ty lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh. Nhưng trên thực tế, quyền này chưa được bảo đảm. Mặc dù, được giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhưng quyền tự chủ trong sử dụng rừng và đất rừng đều hạn chế nên hầu hết các công ty lâm nghiệp vẫn hoạt động theo cơ chế cũ, không phát huy được hiệu quả sử dụng rừng, đất rừng. Hầu hết các công ty lâm nghiệp chỉ tập trung vào công tác quản lý, bảo vệ rừng như một đơn vị sự nghiệp không khác gì mấy so với trước khi chuyển đổi nên hiệu quả quản lý bảo vệ rừng vẫn chưa cao.

Bên cạnh đó, chính sách thuế tài nguyên trong lâm nghiệp vẫn có những điểm chưa hợp lý, cụ thể là thuế suất cao, thậm chí sản phẩm củi cũng phải chịu thuế, trong khi, các công ty lâm nghiệp lại khó tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển. Theo Nghị định 142, ngày 14-11-2005 của Chính phủ, những diện tích đất để sản xuất lâm nghiệp cũng phải chuyển sang hình thức thuê đất, đây cũng là một thách thức lớn khi các  công ty chưa có khả năng tài chính để thực hiện.

Khai thaùc goã röøng troàng ôû M’Drak.
Khai thác gỗ rừng trồng ở M'Drak.

Liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, là chủ rừng nhưng các công ty lâm nghiệp không có quyền tạm giữ đối tượng phá rừng trên lâm phần quản lý. Các nhân viên công ty lâm nghiệp không có trang phục, phương tiện, thiết bị và các công cụ cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ.   

Rừng mất khó kiểm soát

Thực hiện chuyển đổi hoạt động của các lâm trường quốc doanh thành mô hình công ty, Dak Lak có 15 công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp thực hiện theo mô hình này với tổng diện tích rừng tự nhiên đang quản lý và bảo vệ hơn 197 nghìn héc-ta. Sau 10 năm chuyển đổi, từ một đơn vị sự nghiệp lâm trường quốc doanh chuyển sang công ty nhà nước như hiện nay, hiệu quả chưa được như mong muốn, còn rừng thì diện tích và chất lượng ngày càng suy giảm. Qua việc rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2013 cho thấy, tổng diện tích rừng bị mất gần 28.000 ha, cụ thể: trước năm 2008 là 15.642 ha, từ năm 2008 đến năm 2013 là trên 12.340 ha, trong đó diện tích rừng thuộc quản lý của các công ty lâm nghiệp chiếm gần 70%. 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra phát hiện 1.207 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, tịch thu gần 2.000 m3 gỗ các loại, 1.458 phương tiện các loại, số tiền thu sau xử lý gần 11 tỷ đồng và khởi tố hình sự 7 vụ. Tại huyện Ea Súp, có 4 công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, gồm: Công ty Rừng Xanh, Công ty Ya Lốp, Công ty Ea H’mơ và Công ty Cư M’lanh, bình quân mỗi đơn vị quản lý trên 15 nghìn héc-ta rừng nhưng tại các địa bàn do 4 công ty liên tục xảy ra tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép.

Trong các cuộc họp về công tác quản lý bảo vệ rừng hàng năm của tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh đã nhiều lần yêu cầu các địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm túc việc rà soát, kiểm tra lại và xác định rõ từng thời điểm phá rừng để có hướng giải quyết. Hầu hết lãnh đạo các công ty lâm nghiệp thẳng thắn thừa nhận việc để mất rừng nhưng cũng giãi bày là họ phải gánh trách nhiệm rất nặng nề cũng như đối mặt với nhiều khó khăn khiến rừng mất… vượt tầm kiểm soát. Đó là phải quản lý, bảo vệ cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, trong đó có diện tích rừng nằm đan xen với rừng sản xuất, trong khi lực lượng bảo vệ mỏng, nhưng không được cấp đầy đủ kinh phí quản lý bảo vệ rừng.

Kỳ vọng vào Nghị quyết 30

Trước những bất cập trong cơ chế hoạt động của doanh nghiệp lâm nghiệp dẫn đến gia tăng tình trạng mất rừng như hiện nay, thì việc đẩy nhanh tái cơ cấu lâm nghiệp đang được ngành Nông lâm nghiệp quan tâm. Với 1/3 diện tích rừng và đất rừng mà các công ty lâm nghiệp đang quản lý, vấn đề hiện nay là nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, có hướng đi phù hợp gắn với phát huy nội lực thì các công ty lâm nghiệp mới có thể góp phần vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp. Bởi ngoài giá trị kinh tế, thì sứ mệnh của các doanh nghiệp lâm nghiệp hơn hết là bảo vệ tài nguyên rừng của quốc gia, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp trước mắt là sớm hoàn thành công tác kiểm kê hiện trạng ba loại rừng, để từ đó có cơ sở lập quy hoạch quản lý bảo vệ.  Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng tự nhiên có trữ lượng thì giao cho các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, Ban quản lý để bảo vệ nghiêm ngặt; đồng thời, có cơ chế, chính sách đầu tư bảo đảm cho các đơn vị, lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng có đủ tiền lương để tham gia tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhiều chủ rừng thì kỳ vọng vào một sự thay đổi mang tầm vĩ mô khi ngày 12-3-2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Ngày 11-5-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686 ban hành chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30. Về mục tiêu, phương hướng, Nghị quyết nêu rõ: Tạo sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất nông, lâm nghiệp phải gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị hàng hóa. Chuyển các công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ kinh doanh sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách phù hợp để các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động công ích hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các nhiệm vụ, giải pháp lớn để đạt mục tiêu đề ra cũng được chỉ rõ, đó là: bên cạnh các giải pháp về khoa học công nghệ, tài chính, nhân lực, sẽ rà soát, bổ sung điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của công ty nông, lâm nghiệp; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất; đổi mới cơ chế quản lý rừng…

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.