"Gỡ bí" cho rau an toàn
Nhiều năm trở lại đây, người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn tỉnh luôn ý thức chọn rau an toàn (RAT) để sử dụng cho những bữa ăn gia đình. Thế nhưng, trên thực tế lại tồn tại một nghịch lý, người có nhu cầu chẳng biết tìm mua RAT ở đâu, còn người bán thì “bí” đầu ra cho sản phẩm.
Chị Hoàng Thị Thúy - Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm sạch Núi Xanh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar) cho biết, năm 2013, chị bắt tay vào trồng RAT theo hướng VietGap (đây cũng là mô hình nằm trong dự án “Mô hình chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm cho một số loại rau” do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh triển khai), chú trọng nhiều đến khâu đầu tư sản xuất an toàn để cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, không nguy hại cho sức khỏe NTD. Theo chị, yêu cầu sản xuất RAT khắt khe hơn so với tập quán gieo trồng, chăm sóc rau truyền thống như phải tuân thủ theo đúng quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm cung ứng cho NTD nguồn rau sạch nhằm nâng cao uy tín để tạo thương hiệu riêng cho rau Núi Xanh. Hiện Công ty có đến 12,5 ha đất sản xuất (kể cả đất liên kết với các hộ nông dân) để trồng RAT với các loại cải xanh, ngọt, rau muống, xà lách và các loại củ, quả... trung bình một ngày đơn vị cung cấp ra thị trường trên 1,5 tấn rau, củ. Mặc dù được đầu tư nhiều, nhưng sản phẩm của công ty chị lại không phát triển được theo kỳ vọng. Chị Thúy chia sẻ: Dù sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, song, đầu ra lại rất bấp bênh. Trong số rau cung ứng cho thị trường hơn 1,5 tấn mỗi ngày, siêu thị Metro Buôn Ma Thuột chỉ tiêu thụ cho Công ty trên dưới 1 tạ, còn lại phải mang ra chợ bán bằng giá rau thông thường. Để duy trì hoạt động, có lúc Công ty phải thu mua sản phẩm của các hộ dân liên kết với giá 10.000 đồng/ kg rồi chấp nhận mang bán ra chợ đêm chỉ… 2.000 đồng/ kg.
Còn về phía nhà quản lý, theo ông Trần Ngọc Thanh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh thì thời gian qua, việc phát triển những sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cung ứng cho thị trường được đơn vị quan tâm chú trọng. Thế nhưng, trên thực tế đầu ra cho sản phẩm này gặp nhiều khó khăn, bởi người dân dù có nhu cầu vẫn chưa biết phải tìm mua ở đâu, nhà sản xuất lại chưa thực sự đầu tư nhiều cho khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghịch lý: nhu cầu sử dụng RAT thì nhiều, trong khi các cơ sở sản xuất RAT được cam kết về chất lượng vẫn không thể phát triển!
Vườn rau an toàn được sản xuất tại Công ty Cổ phần thực phẩm sạch Núi Xanh vẫn khó tìm đầu ra ổn định. |
Trước thực tế trên, Hội nghị xúc tiến thương mại về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn do Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp với Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức ngày 2-7 tại TP. Buôn Ma Thuột được coi là cuộc gặp gỡ giữa DN sản xuất và 20 nhà phân phối, tiêu thụ (gồm siêu thị, khách sạn, nhà hàng, trường học… trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) để góp phần giải quyết tìm đầu ra cho sản phẩm sạch và mở lối giao thương hàng hóa cho nông sản của địa phương, trong đó đáng chú ý là vấn đề tiêu thụ sản phẩm RAT. Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, bàn cách nâng cao giá trị cho sản phẩm RAT cũng như giải quyết đầu ra cho mặt hàng này; chia sẻ thông tin giúp NTD phân định RAT với các sản phẩm chưa đủ điều kiện an toàn. Ông Bùi Quang Lộc, Chi cục Trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng, việc lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, an toàn là vấn đề quan tâm của nhiều NTD, trong đó có rau xanh. Thế nhưng, ông cũng như nhiều NTD khác, chỉ phân biệt được RAT theo nơi bán và thông tin ghi trên bao bì sản phẩm chứ bằng mắt thường rất khó để nhận biết; và quan trọng hơn, nhiều người không biết tìm mua sản phẩm này ở đâu(?!). Trong khi đó, việc kiểm soát RAT tại các cơ sở, dịch vụ ăn uống thì càng… không dễ. Trên thực tế, khi đi kiểm tra tại các nhà hàng, quán ăn, riêng mặt hàng rau, củ, quả, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra thông qua hợp đồng mua bán, giấy chứng nhận, hóa đơn nhập hàng… còn chất lượng rau ra sao, có bị trà trộn với rau không rõ nguồn gốc hay không thì chưa thể kiểm chứng được. Quan trọng hơn, số rau mà chủ cơ sở, nhà hàng đó sử dụng để phục vụ khách hàng có lấy đúng từ hợp đồng hay không thì rất khó để kiểm soát. Góp thêm về điều này, cô Nguyễn Thị Hồng - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: để đáp ứng bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho hơn 300 học sinh ở trường, trung bình mỗi ngày trường tiêu thụ hơn 20 kg rau, củ các loại. Từ trước đến nay, cô chỉ nhập hàng từ các nhà vườn và chỉ cam kết chất lượng rau… qua niềm tin giữa hai bên. Dù cũng đang muốn mua nguồn RAT làm bữa ăn cho các cháu, nhưng chưa biết tìm ở đâu! Có dự hội nghị, cô mới biết đến Công ty Núi Xanh chuyên cung cấp sản phẩm này…
Các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: trên thực tế, lượng RAT cung ứng trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn ít so với nhu cầu, nhưng tại sao các doanh nghiệp sản xuất RAT lại rơi vào cảnh “bí” đầu ra. Nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất RAT vẫn chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, phân phối sản phẩm nên hiệu quả khó được như mong muốn. Thêm vào đó, các loại RAT cung cấp trên thị trường chưa phong phú, chỉ tập trung vào các loại rau thông thường như xà lách, cải, rau muống… Để thúc đẩy sản xuất và cung cấp cho NTD sản phẩm RAT bảo đảm chất lượng, nhiều đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh khâu tiếp thị, quảng bá về các quy trình sản xuất để NTD biết đến RAT nhiều hơn. Đại diện khách sạn Công đoàn Ban Mê cho hay, NTD sẵn sàng bỏ tiền ra cao hơn để mua được sự an toàn cho sức khỏe trong việc chọn mua các loại rau xanh. Khi đã có một địa chỉ tin cậy, rõ ràng thì họ sẽ tìm đến. Còn về phía nhà sản xuất, nếu biết tôn trọng NTD bằng cách nghiêm túc áp dụng đúng quy trình VietGap thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.
Rõ ràng, để RAT xuất hiện trong các bếp ăn của NTD Việt thì cần xây dựng niềm tin cho thị trường của sản phẩm này. Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt cần hình thành các quầy, sạp chuyên bán RAT tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có chứng nhận, kiểm định của cơ quan chức năng. Khi đã có được quầy hàng, mạng lưới tiêu thụ rộng lớn, nông dân không còn loay hoay tìm đầu ra nữa thì sẽ yên tâm sản xuất, thúc đẩy và gia tăng diện tích trồng RAT với đủ loại từ thấp đến cao cấp đa dạng hơn. Về phía nhà sản xuất, đều thống nhất cho rằng, hiện sản phẩm RAT của công ty bán ra với giá cao hơn rau thường khoảng 20%-30%, nếu được NTD ủng hộ, mặt hàng này tiêu thụ tốt thì không chỉ công ty sẽ phát huy được năng lực sản xuất mà sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm khi đến tay NTD.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc