Lãi suất huy động giảm, tiền gửi tăng – Mừng hay lo?
Không còn tình trạng cạnh tranh huy động vốn bằng mức lãi suất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm túc trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước; mặt bằng lãi suất huy động bằng VNĐ giảm 0,5 - 1%; lãi suất huy động bằng USD giảm 0,25% so với đầu năm. Cụ thể, hiện nay, lãi suất huy động bằng VNĐ đối với kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến 1%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng của các NHTM trên địa bàn phổ biến mức 6%/năm, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở phổ biến 6,5%/năm. Lãi suất huy động bằng USD đối với cá nhân trên địa bàn phổ biến 1%/năm, tổ chức 0,25%/năm. Mặc dù lãi suất huy động không cao, nhưng theo số liệu báo cáo của các TCTD trên địa bàn, tổng nguồn vốn huy động ước đến nay đạt 24.300 tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn từ tiền gửi của các TCTD trên địa bàn ước đạt 24.100 tỷ đồng, chiếm 99% nguồn vốn huy động, tăng 18,2% so với đầu năm.
Khách hàng đang giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dak Lak. |
Theo đại diện một ngân hàng thương mại, việc lãi suất huy động giảm nhưng lượng tiền gửi vẫn tăng là tín hiệu tích cực đối với thanh khoản của hệ thống, đồng thời cho thấy cấu trúc tiền gửi đã biến động theo hướng ổn định hơn. Khi nguồn vốn huy động ổn định và dài hạn hơn cũng sẽ giúp các ngân hàng có cơ sở chủ động hơn trong sử dụng vốn. Lãi suất giảm góp phần giảm chi phí tín dụng qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, đối với ngân hàng, việc lãi suất giảm nhưng hệ thống vẫn duy trì được nguồn vốn ổn định từ dân cư với cấu trúc tiền gửi thay đổi theo hướng ổn định và tích cực hơn là điều đáng mừng, giúp rút ngắn khoảng cách kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ, đồng thời giúp tăng khả năng thanh khoản cho các ngân hàng, bảo đảm nguồn vốn cho vay nền kinh tế.
Đối với người gửi, mặc dù trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND đã giảm nhưng so với các kênh đầu tư tài chính khác, gửi tiền tiết kiệm vẫn có nhiều lợi thế bởi vào thời điểm này, một số kênh đầu tư “truyền thống” của người dân Việt Nam như đồng USD, vàng, bất động sản… không thật hấp dẫn và có tính rủi ro cao. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm USD giảm từ 2%/năm còn 1,25%/năm là mức rất thấp, trong khi tỉ giá vừa điều chỉnh và diễn biến nhìn chung ổn định; vì thế kênh đầu tư, nắm giữ USD không còn hấp dẫn với nhiều người. Còn với thị trường vàng, theo diễn biến thị trường cho thấy đầu tư vàng quá nhiều rủi ro; khoảng hai năm trở lại đây có những người đã bị lỗ rất nặng, có khi mất gần một nửa so với vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn chưa cho thấy dấu hiệu “ấm” hơn là bao.
Tuy nhiên, việc dòng tiền nhàn rỗi trong dân tiếp tục gửi vào ngân hàng cho thấy cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác hiện nay không nhiều. Và có thể nói, việc lượng tiền nhàn rỗi tiếp tục được gửi vào ngân hàng chưa hẳn là tín hiệu vui của nền kinh tế, nếu không muốn nói là đáng ngại. Bởi bên cạnh việc hạn chế các kênh đầu tư, dòng chảy tín dụng thấp cũng cho thấy “sức khỏe” của các doanh nghiệp hiện không thật tốt.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc