Liên kết vùng để phát triển ca cao bền vững
Ca cao ở Việt Nam đang tạo được sự thu hút rất lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong ngành hàng ca cao. Tuy nhiên, để tăng giá trị sản phẩm ca cao Việt Nam và tạo thế cạnh tranh mạnh thì cây ca cao phải tổ chức liên kết vùng sản xuất, đây là điều được các chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân quan tâm.
Cần có lộ trình
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2013, tổng diện tích ca cao cả nước đạt trên 22.000 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 11.000 ha, diện tích trồng xen hơn 20.120 ha (chiếm 91%), diện tích ca cao trồng thuần 1.989,9 ha (chiếm 9%) chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, một số ở vùng Đông Nam Bộ, trồng trên đất cà phê già cỗi, năng suất thấp, không thể tái canh cà phê hiệu quả. Sản lượng hạt ca cao khô lên men năm 2013 là 6.765 tấn, tăng so với năm 2012 (65 tấn), trong đó phần lớn ca cao được xuất khẩu. Năng suất ca cao nước ta tuy cao hơn so với thế giới, nhưng chưa đạt so với kỳ vọng, bình quân khoảng 6,1 tạ hạt khô lên men/ha.
Vườn ca cao của nông dân xã Ea Sar, huyện Ea Kar. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân là do người trồng thiếu kiến thức kỹ thuật, không đầu tư hoặc đầu tư rất hạn chế, bên cạnh đó tình hình sâu bệnh hại phát sinh nhiều, đặc biệt là bọ xít muỗi và bệnh thối trái xảy ra vào đợt mưa kéo dài cuối tháng 9 và tháng 10 tại các tỉnh Tây Nguyên, gây ảnh hưởng đến năng suất ca cao. Bà Lê Thị Phi Vân, chuyên gia nghiên cứu về ca cao của Dự án Hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững ở Việt Nam cho rằng, trong các tỉnh Tây Nguyên thì Dak Lak có diện tích, sản lượng ca cao lớn nhất, trên 2.000 ha, năng suất bình quân 12 tạ hạt khô/ha, tổng sản lượng 1.427 tấn hạt khô. Thực tế trong sản xuất những năm qua cho thấy, ca cao được đánh giá là cây có nhiều tiềm năng, nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các dự án, tổ chức, công ty trong và ngoài nước và hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương thông qua vật chất (cây giống, cho vay phân bón, …), tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế và lên men ca cao. Đã có nhiều mô hình sản xuất của các nông trường và nông dân thành công trong sản xuất ca cao nhờ học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt tốt kỹ thuật và đầu tư, chăm sóc đúng mức cho cây ca cao. Tuy nhiên, phát triển cây ca cao vẫn không đạt mục tiêu theo Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND là đến 2015, diện tích trồng đạt 6.000 ha, trong đó 2000 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 2.800 đến 3.000 tấn. Không chỉ riêng Dak Lak mà hầu hết các tỉnh trồng ca cao đều gặp khó trong việc tăng diện tích. Việc không đạt mục tiêu do nhiều nguyên nhân khác nhau như chậm giải ngân kinh phí hỗ trợ nông dân, ngân hàng không mặn mà trong việc hỗ trợ kinh phí lãi suất, một số công ty đăng ký chuyển đổi nhưng không trồng. Bên cạnh đó, ca cao là cây mới nên nhiều người chưa quen, lại thiếu đầu tư chăm sóc, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp, khó cạnh tranh được với cây chủ lực trong vùng như cà phê, tiêu, cao su.
Nông dân huyện Krông Pak đang bón phân cho cây ca cao. |
Trước thực trạng trên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để phát huy được tiềm năng vốn có, cây ca cao cần có chiến lược dài hơi, kế hoạch rõ ràng, không nên bỏ mặc nông dân khi khó khăn. Đối với cấp tỉnh cần có kế hoạch hành động cụ thể và bố trí vốn kịp thời để đạt mục tiêu đề ra.
Hướng tới liên kết vùng
Theo quy hoạch, diện tích ca cao cả nước phát triển đến năm 2015 là 35.000 ha và đến năm 2020 đạt 50.000 ha, tập trung tại 8 tỉnh, thành cả nước (Dak Lak, Dak Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long). Bên cạnh đó, cả doanh nghiệp lẫn nông dân đều hướng đến chỉ tiêu sản xuất theo chứng nhận UTZ để nâng cao giá trị hạt ca cao, đây cũng là một trong các phương hướng quan trọng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất ca cao.
Bà Lê Thị Phi Vân cho rằng, sản xuất ca cao ở Dak Lak bước đầu đã hình thành mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến, thu gom, xuất khẩu. Đã xây dựng được các tổ chức hỗ trợ sản xuất trong nông dân và bước đầu tổ chức này có vai trò nhất định trong chuyển giao kỹ thuật, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra. Sản xuất ca cao đạt chứng nhận UTZ được thực hiện bởi Công ty Cargill Việt Nam chiếm 40% về diện tích, 70% về sản lượng. Bà đưa ra khuyến cáo, nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, vùng này cũng phải liên kết với vùng khác để bảo đảm giá sản phẩm không chênh lệch quá nhiều. Ông Nguyễn Bá Dũng, Công ty TNHH Cargil Việt Nam nhận định, trước sản lượng ca cao Việt Nam ngày một tăng và chất lượng được các chuyên gia đánh giá cao, nên sản phẩm ca cao được chứng nhận UTZ và hạt ca cao lên men đạt chất lượng, được các doanh nghiệp, đại lý trong nước thu mua luôn được cộng thêm mức thưởng (200đ/kg tươi). Bên cạnh đó, thông qua hệ thống doanh nghiệp, đại lý, các sản phẩm ca cao đạt tiêu chuẩn UTZ được công ty thu mua lại hết để đáp ứng cho xuất khẩu. Ngoài thu mua ca cao chất lượng của các tỉnh, công ty còn hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ca cao theo hướng đạt tiêu chuẩn UTZ, cập nhật thông tin thị trường…
Để phát triển ca cao bền vững, việc liên kết vùng là rất cần thiết, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của 4 nhà, cùng với công tác truyền thông cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là sự phối hợp giữa cơ quan truyền thông với cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất, thu mua ca cao để có thông tin đầy đủ, khách quan và chính xác. Đồng thời phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như thông qua hội thảo, hội nghị, tham quan trình diễn.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc