Multimedia Đọc Báo in

Người tiêu dùng vẫn "ngại" lên tiếng khi quyền lợi bị xâm hại

09:38, 21/07/2014

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của NTD khi bị xâm hại, nhưng thời gian qua, số NTD tự giác “lên tiếng” để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua phải hàng hóa kém chất lượng vẫn còn rất… khiêm tốn!

Ngày 9-1-2014, bà Trịnh Thị Hồng Loan (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột)  có mua hộp miến khô, nhãn hiệu Bích Chi bán tại một siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Về nhà, mang ra nấu, bà phát hiện sản phẩm bị lẫn cát sạn, dù được rửa đi rửa lại nhiều lần, miến vẫn không thể sạch được những hạt cát nhỏ bám vào. Lo ngại cho sức khỏe, bà không dám sử dụng và tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để khiếu nại. Kết quả, phía nhà sản xuất cho biết, do  sàng lọc nguyên liệu bị lủng trong quá trình sản xuất nên dẫn đến việc cát còn lẫn vào trong miến. Công ty này đã nhận sai sót, tiến hành bồi thường cho bà Loan và chịu trách nhiệm thu hồi toàn bộ số hàng bị lỗi đã phân phối ra thị trường. Còn đối với chị Khổng Thị Lương (TP. Buôn Ma Thuột), sữa tươi là mặt hàng không thể thiếu đối với gia đình chị, nhưng do không để ý khi mua, đến lúc lấy ra dùng, chị Lương rất lo lắng khi phát hiện trong thùng sữa TH True milk có một vài hộp bị phồng lên. Nghi nhiễm khuẩn, chị ngưng sử dụng và tìm đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để nhờ giúp đỡ. Không lâu sau, chị đã được đại lý phân phối sản phẩm nhận lỗi và đổi lại sữa mới an toàn. Tương tự, mới đây, trong lúc pha sữa (hãng sữa Abbott Grow, loại dành cho trẻ 3-6 tuổi) chị Nguyễn Thị Ngọc Hương (thôn 8, Xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) tá hỏa khi thấy trong sữa nổi váng màu nâu, một số hạt sữa bị kết tủa, vón cục và không tan. Hộp sữa này được chị mua tại tạp hóa Bảo An trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Nhận thấy sản phẩm không đảm bảo chất lượng, chị đã đưa vụ việc đến Hội nhờ can thiệp. Sau khi tổ chức hòa giải, phía Công ty TNHH dinh dưỡng 3A đã đền bù thỏa đáng cho chị…

Người tiêu dùng đang tìm hiểu thông tin sản phẩm tại một hội chợ được tổ chức trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng đang tìm hiểu thông tin sản phẩm tại một hội chợ được tổ chức trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trên thực tế, việc NTD mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng không phải là ít, trong đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng… Thế nhưng, số NTD có ý thức bảo vệ mình bằng cách chủ động tìm đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp như bà Loan, chị Hương lại không nhiều. Trong khi đó, tình trạng gian lận thương mại diễn ra trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện và xử lý 491 vụ buôn bán hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng với các thủ đoạn tinh vi, được khép kín từ khâu vận chuyển đển phân phối. Do vậy, việc NTD đứng trước nguy cơ bị xâm hại quyền lợi là không thể tránh khỏi, bởi dù có nỗ lực đến mấy cũng khó kiểm soát hết mọi ngả đường của hàng giả, hàng lậu. Về vấn đề này, “lỗi” một phần xuất phát từ phía NTD không biết tự bảo vệ mình như không đọc kỹ thông tin ghi trên sản phẩm, không có thói quen yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp hóa đơn, chứng từ mua bán hàng. Quan trọng hơn, nhiều NTD do thiếu thông tin, không biết mình có quyền lợi gì, hoặc họ cho rằng giá trị hàng hóa đã mua nhỏ nên thay vì khiếu nại lên cấp thẩm quyền thì họ lại bỏ qua các hành vi vi phạm của nhà sản xuất, phân phối đã đưa đến cho họ một hoặc nhiều sản phẩm gian dối, kém chất lượng. Đánh giá về việc NTD ít khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm, bà Nguyễn Thị Phương Lan - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cho biết, dù Hội đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ NTD, nhưng hằng ngày, quyền lợi của không ít NTD vẫn đang bị xâm hại. Tâm lý ngại va chạm, sợ mất thời gian, thủ tục rườm rà… đã làm cho NTD dễ dàng “cho qua” không khiếu nại đòi quyền lợi chính đáng của mình. Bà Lan cũng cho biết thêm, 6 tháng đầu năm 2014, Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã tiếp nhận, tư vấn và giải quyết 6 vụ khiếu nại của NTD. So với cùng thời điểm này năm ngoái, số vụ khiếu nại đã giảm một nửa. Tuy nhiên, dù số vụ việc NTD khiếu nại có giảm, nhưng không có nghĩa là lượng NTD bị xâm hại không gia tăng, bởi chính sự im lặng của họ khiến cơ quan chức năng khó can thiệp, hỗ trợ…

Để giúp NTD hiểu hơn về quyền lợi của mình cũng như biết cách xử lý khi mua phải hàng kém chất lượng, thời gian qua Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật và các Nghị định của Chính phủ liên quan đến quyền lợi NTD. Hội cũng phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh, cử người tham gia trực hàng ngày tại các điểm cân đối chứng trên các chợ để hướng dẫn NTD cân lại các sản phẩm đã mua nếu nghi ngờ bị cân thiếu nhằm đấu tranh kịp thời với các đối tượng mua gian bán lận.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD có ghi rõ: NTD có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Vì vậy, khi quyền lợi bị xâm hại, NTD nên chủ động tìm đến các cơ quan liên quan để được trợ giúp. Bên cạnh đó, cũng nên biết tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu thông tin sản phẩm, duy trì thói quen mua bán có hóa đơn, chứng từ để có cơ sở khiếu kiện về sau nếu phát hiện sai phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh… Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, hiện nay Hội đang nỗ lực giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi NTD, nhưng chính bản thân NTD cũng nên nắm rõ Luật để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình nếu bị xâm hại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.