Nỗ lực để hàng Việt "chinh phục" người tiêu dùng
Dak Lak được đánh giá là một trong những thị trường lớn hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, tiềm năng lớn đó chưa được tận dụng hết khi sản phẩm hàng hóa nội địa chưa đủ sức mạnh để “chinh phục” niềm tin đối với người tiêu dùng (NTD) nơi đây.
Người tiêu dùng còn “thiếu tự tin” với hàng Việt
Những năm gần đây, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã khẳng định được vị thế trên thị trường và NTD trong nước nói chung, Dak Lak nói riêng. Song, cũng không phủ nhận rằng, NTD vẫn còn tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập hơn các sản phẩm sản xuất trong nước. Lý do là hàng nhập khẩu có chế độ khuyến mãi nhiều hơn, dịch vụ bán hàng chuyên nghiệp và khâu hậu mãi đối với khách hàng luôn được xem trọng... Trong khi đó, sự thiếu đa dạng của hàng Việt cũng như chất lượng chưa ổn định, không đáp ứng các tiêu chí như công bố… là nguyên nhân chưa tạo được niềm tin của NTD. Mặt khác, chính sách khuyến mãi của các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự rõ ràng, nghiêm túc, dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp không bảo đảm, tính chuyên nghiệp của nhân viên bán hàng thấp nên chưa tạo được sức hút đối với người mua...
Theo khảo sát và đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường Dak Lak tại một số điểm chợ ở TP. Buôn Ma Thuột, trung tâm các huyện, thị xã trong tỉnh thì hiện nay, người dân đang khá “dè chừng” đối với nhiều loại hàng hóa rau, củ, quả xuất xứ từ Trung Quốc. Từ đó, không ít tiểu thương lại quay sang kinh doanh theo kiểu “đánh lừa” NTD bằng cách dán nhãn hiệu hàng Việt vào sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để bán, hoặc giới thiệu là hàng xuất xứ trong nước để tiêu thụ sản phẩm ngoại kém chất lượng. Không những thế, với hình thức “ăn theo” thương hiệu “hàng Việt Nam chất lượng cao”, tại một số cửa hàng bán đồ điện máy, điện gia dụng trong tỉnh đang kinh doanh theo kiểu thiếu minh bạch. Nhiều người tiêu dùng phản ánh rằng trên các sản phẩm như quạt, máy xay sinh tố, đến các sản phẩm như nồi cơm điện, bếp gas, bếp điện… mặc dù họ nhìn thấy dòng chữ “Made in China” nhưng nhiều chủ cửa hàng, nhân vên bán hàng vẫn cố tình khẳng định là các sản phẩm do Việt Nam sản xuất (!?)…. Từ thực tế trên đã khiến NTD chưa thực sự yên tâm khi mua và sử dụng sản phẩm trong nước.
Khách hàng tham quan mua sắm tại Hội chợ hàng Việt tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Anh Nguyễn Hoài Nam ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông cho biết, vừa qua có một số tư thương dùng cả ô tô chở hàng điện máy, điện gia dụng về địa bàn xã bán. Thấy nhiều người mua nên gia đình anh cũng sắm một đầu đĩa DVD hiệu Aris được giới thiệu là “hàng Việt Nam chất lượng cao” với giá 500.000 đồng. Sản phẩm có phiếu bảo hành 1 năm nên anh Nam khá yên tâm mua về dùng. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tuần sau thì đầu DVD này bị hỏng. Anh đi tìm người bán hàng để được bảo hành thì chẳng thấy đâu. Hay như trường hợp của chị Trịnh Thị Hồng Loan ở thôn 7, xã Hoà Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Dak Lak về việc mua sản phẩm miến khô cao cấp nhãn hiệu Bích Chi (của Công ty CP thực phẩm Bích Chi, địa chỉ: thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) tại Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột, khi nấu lên thì phát hiện trong miến có lẫn cát, sạn. Ngay sau đó, đại diện Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột đã thừa nhận miến bị cát là do trong quá trình sản xuất bị thủng sàng lọc. Công ty CP thực phẩm Bích Chi cũng thừa nhận sai sót và thu hồi sản phẩm bị lỗi trên thị trường… Sự việc trên mặc dù không gây thiệt hại lớn song cũng khiến cho nhiều NTD nghi ngại.
Cần chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm
Theo ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) thì thực tế là xưa nay, NTD Việt Nam nói chung và ở Dak Lak nói riêng thường quen với nếp nghĩ hàng ngoại nhập bao giờ cũng có chất lượng cao hơn hàng nội. Điều này cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho NTD, vì thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chú trọng đến xuất khẩu. Những sản phẩm lỗi kỹ thuật bị loại vì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu thì mới được bày bán trong nước dưới dạng thanh lý. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì sản phẩm của hàng hóa trong nước ít gây được sự chú ý của NTD. Đó là chưa kể những mẫu mã bao bì “nhái” theo mẫu hàng nước ngoài hoặc tên sản phẩm toàn chữ nước ngoài…
Cũng theo ông Lưu, thời gian qua, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng nên hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao. Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng “nhái”, sắp hết hạn sử dụng, làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của NTD, từ đó làm giảm ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ông Lưu cho rằng: Để NTD trong tỉnh thực sự tin yêu hàng Việt, trách nhiệm rất lớn thuộc về doanh nghiệp. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước cần đưa ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, chia sẻ với NTD những khó khăn hiện nay để có mức giá sản phẩm thích hợp nhất. Theo đó, hai mục tiêu quan trọng cần tiếp tục giữ vững trong quá trình triển khai Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là: không ngừng nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng Việt; và tạo lập kênh phân phối rộng khắp, vững chắc, nhất là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cùng với việc bảo đảm giá cả hợp lý, phục vụ thân thiện và chu đáo, các nhà bán lẻ cần hiểu biết và tin tưởng vào hàng Việt Nam, đồng thời cần nắm được xu hướng và tâm lý khách hàng để phản hồi tới nhà sản xuất những ý kiến góp ý của khách về chất lượng, dịch vụ sản phẩm... Và điều quan trọng nhất là doanh nghiệp, nhà sản xuất phải chứng minh cho NTD thấy rằng sự chọn lựa của họ đối với hàng Việt là đúng đắn. Có như thế thì Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mới đi vào chiều sâu, hàng Việt mới chinh phục được NTD.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc