Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch: Cần chú trọng văn hóa ứng xử

09:43, 20/07/2014

Với ưu thế về điều kiện tự nhiên cũng như đời sống văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số bản địa và sự đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, những năm qua, lượng khách du lịch đến Dak Lak ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Được thiên nhiên ưu đãi, Dak Lak có nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như: Krông Kmar, Dray Nur, Bảy nhánh... và những hồ lớn, với diện tích từ 200 - 600 ha như: Hồ Lak (huyện Lak), Eo Đờn (Krông Ana), Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột)... và 21 di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa được xếp hạng hàng chục di tích, thắng cảnh tiềm năng khác, cùng các vườn quốc gia York Đôn (Buôn Đôn), Cư Yang Sin, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka (huyện Lak), Ea Sô (huyện Ea Kar)... với hàng trăm loài động thực vật quý hiếm. Đặc biệt Dak Lak có đàn voi nhà gần 50 con được thuần dưỡng phục vụ đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc và khách du lịch.

Khách du lịch mua túi xách tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn.
Khách du lịch mua túi xách tại Trung tâm du lịch Buôn Đôn.

Với 47 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm trên 30%) còn lưu giữ nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc: cồng chiêng, đàn đá, trống, điệu múa, nghi lễ của cộng đồng các dân tộc như: Êđê, M’nông cùng các sản phẩm làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc... đã gây nhiều ấn tượng cho khách du lịch. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa là sản phẩm du lịch thu hút khách.

Về cơ sở hạ tầng, Dak Lak nằm giữa trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí địa lý quan trọng, có thể kết hợp với nhiều địa phương để xây dựng các tuyến du lịch. Cùng với đó, hệ thống giao thông như các tuyến quốc lộ 14, 25, 26, 27, sân bay Buôn Ma Thuột… ngày càng được hoàn thiện còn có hệ thống 159 cơ sở lưu trú trải đều khắp 15 huyện, thị, thành phố với hơn 3.220 buồng phòng, đủ khả năng đón tiếp 900–1.000 lượt khách cùng lúc và có thể tổ chức hội nghị, hội thảo lớn với số lượng hàng ngàn lượt khách.

Kèm theo đó, địa phương đã ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước chung tay phát triển du lịch với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, hoạt động này vẫn chưa thật sự chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, hời hợt, chất lượng phục vụ hạn chế và nhân lực chưa có trình độ cao. Thực tế, du lịch Dak Lak chỉ phát triển các tour trong ngày từ Buôn Ma Thuột đi các huyện Lak, Buôn Đôn hay tham quan thác. Các hoạt động du lịch văn hóa, hình thức homestay để khai thác tiềm năng rất lớn từ nền văn hóa và đời sống sinh hoạt của người Êđê, Mnông bản địa vẫn chưa phát triển. Như vậy du khách khó có thể lưu trú lâu ngày để trải nghiệm và tiêu tiền vì thiếu các dịch vụ du lịch – thương mại.

Cần xây dựng văn hóa ứng xử

Có một thực tế đang xảy ra là hoạt động du lịch Dak Lak vẫn đang phải đối mặt với tình trạng khách tới một lần rồi thôi, bởi văn hóa giao tiếp, bán hàng và quà lưu niệm trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập.

Huyện Lak là một trọng điểm du lịch của tỉnh, với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Lak, khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, buôn văn hóa M’liêng, buôn Jun… với các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du ngoạn Hồ Lak bằng thuyền độc mộc, cưỡi bành voi…, nếu lượng khách du lịch đến huyện Lak hằng năm tăng 10-12% thì khách lưu trú chỉ chiếm 2-5%, khiến lợi nhuận từ hoạt động này chưa cao. Một phần do sản phẩm du lịch chưa đa dạng, độc đáo, phần khác do yếu tố văn hóa, giao tiếp của lực lượng làm du lịch ở đây chưa hình thành rõ nét, bởi người làm du lịch xuất phát từ các buôn làng, hoạt động mang tính thời vụ, chưa qua đào tạo bài bản; các dịch vụ bán đồ lưu niệm, ăn uống, giải khát… cũng hình thành một cách tự phát, thiếu chuyên nghiệp nên khách ít… Chị Mai Thị Phụng, chủ cửa hàng Minh Phụng buôn Jun, thị trấn Liên Sơn (huyện Lak) cho biết: chị làm nghề bán hàng lưu niệm đã 10 năm nay, với khách Việt Nam thì chị mời, giới thiệu sản phẩm, nói chuyện được, nhưng khách nước ngoài thì ngôn ngữ đành bất lực, việc giao tiếp, mua bán hầu như chỉ ra dấu bằng tay. Trong khi đó, du khách nước ngoài muốn giao tiếp, mua hàng, tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân bản địa cũng chỉ bằng ánh mắt, cử chỉ... Chị Linda, một du khách Mỹ cho biết, du lịch Hồ Lak, thấy đời sống văn hóa của người dân nơi đây rất độc đáo, muốn tìm hiểu tập quán sinh hoạt của họ, nhưng chị chỉ nói được tiếng Việt rất ít nên đành chịu!

Còn tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch lớn muốn tiết kiệm chi phí nhân công nên chủ yếu thuê lao động phổ thông chưa qua đào tạo, mặt khác, do hoạt động du lịch mang tính chất thời vụ nên việc sử dụng lao động cũng không thường xuyên, dẫn tới một bộ phận lao động du lịch đã qua đào tạo không có việc làm ổn định phải tìm việc làm khác phù hợp hơn.

Tương tự, huyện Buôn Đôn cũng đang đối mặt với tình trạng khách chỉ đến một lần rồi thôi, bởi các điểm kinh doanh dịch vụ tại đây na ná nhau, người bán hàng thiếu chuyên nghiệp, không mấy mặn mà với người tham quan. Bà Nguyễn Thị Khương, một khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, dịp cuối tuần vừa rồi bà cùng gia đình tham quan trung tâm du lịch Buôn Đôn và dạo chơi khu mua sắm. Do con nhỏ hiếu động, mặc dù đã được mẹ nhắc nhở nhưng vẫn quậy phá làm đổ đồ của người bán hàng. Mặc dù đã xin lỗi và mua một món hàng để bày tỏ thiện chí, nhưng người bán vẫn nặng lời với bà.

Ông Đinh Một, Trưởng Phòng Văn hóa nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do thiếu kinh phí, trong khi bản thân người làm du lịch cũng không mấy mặn mà với việc này; do vậy, bài toán chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch đến nay vẫn chưa có lời giải.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc