Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê đối mặt với nhiều thách thức

14:15, 15/07/2014

Là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Dak Lak, vì vậy sự phát triển bền vững của ngành cà phê gắn liền với sự phát triển ổn định về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất cà phê của tỉnh luôn đối mặt với nhiều thách thức; và để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược mang tầm quốc gia.

Sản lượng liên tục giảm

Dak Lak là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất của khu vực cũng như cả nước, với khoảng 203.500 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 190.200 ha, năng suất bình quân đạt 24,31 tạ/ha. Trong vòng 5 năm trở lại đây, mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về sản xuất cà phê bền vững cùng với những kiến nghị, khuyến cáo các địa phương không mở rộng diện tích cà phê mà cần tập trung cải tạo vườn cây, đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng, nhưng trên thực tế, diện tích cà phê của tỉnh liên tục tăng. Nếu năm 2009 mới chỉ 181.960 ha, thì đến năm 2013 đã tăng lên 203.560 ha, bình quân mỗi năm tăng hơn 4.300 ha. Có một nghịch lý đang diễn ra là diện tích cà phê tăng nhanh nhưng sản lượng lại có chiều hướng giảm sút, cụ thể: niên vụ 2012-2013, sản lượng cà phê nhân xô đạt 412.182 tấn, giảm 15,5% so với niên vụ trước, niên vụ 2013-2014 tiếp tục giảm 15% và theo dự báo của Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ cà phê 2014-2015 sẽ tiếp giảm khoảng 15%-20% so với niên vụ trước. Theo Sở NN-PTNN, nguyên nhân của thực trạng trên là do diện tích cà phê bị già hóa, năng suất thấp ngày càng tăng, trong khi diện tích trồng mới lại được trồng ở những vùng đất không phù hợp, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, những hiện tượng thời tiết bất thường như mưa sớm trúng vào giai đoạn thu hoạch, mưa nhiều trong giai đoạn kết trái làm thụ phấn kém, rụng trái non; hạn hán trong thời kỳ quả phát triển; tình trạng sâu bệnh hại gia tăng cả chủng loại và cấp độ… cũng là nguyên nhân khiến sản lượng sụt giảm.

Công ty TNHH MTV XNK 2-9 cấp giống miễn phí cho các hộ liên kết để hỗ trợ  tái canh cà phê.
Công ty TNHH MTV XNK 2-9 cấp giống miễn phí cho các hộ liên kết để hỗ trợ tái canh cà phê.

Chủ tịch VICOFA Lương Văn Tự cho rằng, để nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê, hàng năm Dak Lak cần trồng lại khoảng 4.000 ha theo hướng cung cấp giống tốt cho tái canh, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển ngành cà phê bền vững. Từ nhiều năm nay, Hiệp hội đã dồn sức cho tái canh cà phê như cấp giống miễn phí; tổ chức hội thảo, hội nghị để tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong tái canh cho các địa phương; đề xuất với các bộ, ngành về chiến lược, cơ chế chính sách... Tuy nhiên, tái canh cây cà phê vẫn đang gặp phải vô vàn khó khăn. Theo TS. Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, vòng đời cây cà phê sung sức nhất chỉ từ năm thứ 5 đến năm thứ 15, những năm tiếp theo, cây già cỗi, sức đề kháng thấp, sâu bệnh sẽ phát triển. Do đó, trẻ hóa vườn cây là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách để ngăn chặn sự tụt giảm về sản lượng.

Tái canh chưa như mong đợi

Theo kế hoạch, từ năm 2013 - 2020 Dak Lak cần tái canh 27.775 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém. Trong 2 năm (2012-2013), các địa phương đã tái canh được khoảng 6.300 ha và kế hoạch năm 2014 gần 3.800 ha. Ngoài nguồn giống từ VICOFA đã hỗ trợ tỉnh 4.754 kg hạt giống cà phê lai và 109.400 cây giống, thông qua Chương trình hợp tác công tư, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã hỗ trợ 50% chi phí cây giống cho bà con nông dân có nhu cầu tái canh tổng số 1.524.224 cây giống (trồng 1.386 ha). Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Dak Lak cho biết, tính đến 15-6-2014, mới có 377 khách hàng được vay vốn để tái canh, với số tiền 111 tỷ đồng trên diện tích 975 ha. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện tái canh, nhưng kết quả mang lại không như mong đợi, tiến độ triển khai chậm so với lộ trình. Việc tái canh cà phê gặp khó khăn không chỉ ở vấn đề tổ chức sản xuất, thiếu vốn đầu tư mà còn khá nhiều hạn chế trong nghiên cứu để tìm ra giải pháp kỹ thuật tổng hợp, có cơ sở khoa học và đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, tái canh cà phê ở Dak Lak đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đó là việc rà soát, đánh giá chất lượng, thống kê diện tích vườn cây thiếu chính xác làm ảnh hưởng đến quy hoạch và kế hoạch tái canh, đồng thời còn thiếu các cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ cho ngành sản xuất cà phê. Bên cạnh đó, để thực hiện tái canh cần một lượng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi đó, lãi suất cho vay đầu tư tái canh từ 9-9,5%/năm, vẫn còn khá cao đối với lĩnh vực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp…

Tại Hội nghị sơ kết về tái canh cà phê tổ chức ở Dak Lak hồi cuối tháng 6-2014, tỉnh đã đề xuất Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ tái canh cà phê như: Cần tăng cường ngân sách nhà nước cho việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như quy hoạch, kế hoạch; xây dựng vườn ương, nhân giống; hoàn thiện quy trình kỹ thuật; đào tạo cán bộ quản lý… Kế đến là chính sách tín dụng có cơ chế về lãi suất ưu đãi thấp, thực hiện chính sách cấp bù lãi suất hoặc tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho chương trình tái canh. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân chuyển những diện tích cà phê trồng trên vùng đất không thích hợp sang trồng các loại cây khác phù hợp hoặc chuyển sang hoạt động chăn nuôi… Chính phủ cần sớm ban hành đề án tái canh cà phê toàn diện mang tầm quốc gia để tạo cú hích cho chương trình tái canh cây cà phê trên địa bàn Dak Lak.

 Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.