Xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp: Thêm nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư
Đầu tư xây dựng hạ tầng (XDHT) khu, cụm công nghiệp (CCN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành công thương Dak Lak. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này đang gặp không ít khó khăn, dẫn đến hạ tầng các khu, CCN vẫn còn ngổn ngang và hạn chế trong thu hút nhà đầu tư vào đây.
Hiện Dak Lak đã công bố quy hoạch 1 khu CN và 15 CCN, trong đó, 8 CCN vừa XDHT vừa sản xuất. Các CCN được đầu tư chủ yếu dưới hình thức cuốn chiếu, tiến độ đầu tư xây dựng phụ thuộc vào nhu cầu về mặt bằng sản xuất và khả năng nguồn vốn của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, bên cạnh vốn ngân sách, khả năng tài chính của các DN gặp khó khăn nên đầu tư XDHT khu, CCN chỉ là nhỏ giọt. Cụ thể, CCN Tân An 1+2 (Buôn Ma Thuột), diện tích 104,75ha, đã hoạt động được 5 năm, nhưng mới chỉ được đầu tư 55,4 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương cho các hạng mục giải phóng mặt bằng (GPMB), đường trục chính, cổng tường rào và 116,6 tỷ đồng của DN đầu tư các đường nhánh rẽ, hệ thống thông tin liên lạc, điện chiếu sáng, thoát nước; CCN Ea Dar (huyện Ea Kar) diện tích 50,59 ha mới đầu tư gần 27,5 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 25,8 tỷ đồng, vốn DN ứng trước 1,7 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục GPMB, rà phá bom mìn, đường trục chính và cổng tường rào, điện. Tương tự, CCN Krông Buk 1 (huyện Krông Buk), diện tích 69,32 ha, mới đầu tư 47,68 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương 37,64 tỷ đồng, vốn DN 664 triệu đồng xây dựng đường điện, GPMB, rà phá bom mìn, đường trục chính, điện và san ủi mặt bằng…
Một góc Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lê Thành |
UBND tỉnh cũng vừa ban hành các quyết định thành lập 3 CCN gồm Ea Ral (huyện Ea H’leo), M’Drak (huyện M’Drak) và Ea Dar (huyện Ea Kar), là điều kiện thuận lợi để các địa phương thu hút các DN đến đầu tư, tuy nhiên, lộ trình lập quy hoạch điều chỉnh chi tiết, dự án XDHT và triển khai đầu tư còn nhiều vướng mắc. CCN Ea Ral (trước đây là CCN Trường Thành) được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng tại Quyết định 205/QĐ-UBND, ngày 18-1-2007, với diện tích 50,9 ha do Công ty Cổ phần quản lý CCN Trường Thành Ea H’leo làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đơn vị này đã không hề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong cụm, nên ngày 30-8-2013, UBND tỉnh đã có Công văn số 6033 chấm dứt chủ trương đầu tư đối với công ty này và điều chỉnh diện tích xuống còn 33,3 ha nhằm giảm chỉ phí đầu tư hạ tầng và bồi thường GPMB. Sau khi tái thành lập ngày 28-5-2014 theo Quyết định số 1223/QĐ-UBND của UBND tỉnh, giao cho UBND huyện Ea H’leo làm chủ đầu tư. Hiện tại, hạ tầng CCN này hầu như chưa có gì, công tác bồi thường GPMB cũng chỉ thực hiện được hơn 8/33 ha với tổng số tiền gần 9,4 tỷ đồng. Ông Đào Văn Bé, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Ea H’leo cho biết, sau nhiều năm hoạt động (từ khi còn mang tên là CCN Trường Thành) đến nay, CCN này vẫn còn là…bãi đất trống, chưa có tường bao, điện chiếu sáng, đường giao thông nội bộ. Nguyên nhân là việc quản lý chủ đầu tư là Công ty Cổ phần quản lý CCN Trường Thành Ea H’leo còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả và công tác đền bù, GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Địa phương đã rà soát hiện trạng sử dụng đất và hệ thống cơ sở hạ tầng để lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng.
Một góc Cụm công nghiệp Tân An. |
Theo quy định, sau khi quy hoạch này được phê duyệt, địa phương mới lập dự án đầu tư công trình kết cấu hạ tầng và từ năm 2015 – 2018, việc đầu tư hạ tầng mới được triển khai. Huyện Ea H’leo có nguồn nguyên, vật liệu, khoáng sản khá dồi dào cho hoạt động sản xuất công nghiệp; bên cạnh đó, địa phương có định hướng kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành chế biến sản phẩm từ cà phê, cao su, thức ăn gia súc, sản xuất vật liệu không nung, cơ khí, chế biến gỗ và lâm sản… Tuy nhiên, do hạ tầng CCN chưa được xây dựng nên việc thu hút đầu tư vào đây là rất khó khăn. Trong những năm qua, mỗi năm bình quân có hàng chục lượt DN có ý định đến huyện đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhưng nhìn cơ sở hạ tầng chưa có gì nên DN cũng đành phải quay lưng…
Nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần chế biễn gỗ Trường Thành tại cụm công nghiệp Ea Ral. |
Theo định hướng phát triển ngành công nghiệp Dak Lak đến năm 2020, sẽ hình thành và phát huy hiệu quả Khu công nghiệp tập trung Hòa Phú và các CCN: Ea Kar, Krông Buk, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột, đồng thời, quy hoạch các CCN ở Ea H’leo, Krông Bông và các huyện còn lại, mỗi cụm, điểm công nghiệp có quy mô khoảng 30 – 50 ha. Có thể nói, việc đầu tư phát triển hạ tầng CCN sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy tăng trưởng ngành CN, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác nhau. Ông Đa Văn Minh, Giám đốc Công ty phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phú cho biết, việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào hạ tầng khu, CCN là rất khó khăn bởi ngân sách có hạn, trong khi đó, việc huy động các nguồn xã hội hoá cũng chưa có hiệu quả vì nhiều DN gặp khó về vốn, hoặc không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Thời gian tới, để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư XDHT các khu, CCN, thời gian tới địa phương sẽ thực hiện các giải pháp như ưu đãi về tiền thuê đất đối với các nhà đầu tư; miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu theo các quy định pháp luật hiện hành; giải tỏa đền bù, tạo mặt bằng sạch để đầu tư CCN; ngoài ra, hỗ trợ đối với một số lĩnh vực có liên quan như: xúc tiến mời gọi các dự án nhà xưởng sản xuất vào CCN, hỗ trợ đào tạo, dạy nghề và giới thiệu, tuyển dụng lao động cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất trong CCN.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc