Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn hồ, đập thủy điện trong mùa mưa

15:55, 22/08/2014

Là một trong những tỉnh có nhiều công trình thủy điện đang hoạt động, những năm qua Dak Lak đã tăng cường công tác quản lý an toàn hồ đập (ATHĐ) các công trình, nhất là trong mùa mưa lũ...

Toàn tỉnh hiện có 18 công trình thủy điện, tổng công suất gần 860 MW đã đi vào hoạt động, trong đó nhìn chung các chủ hồ đã quan tâm đến công tác ATHĐ. Theo báo cáo của Sở Công thương, đến ngày 12-8, trong số 13 nhà máy có hồ chứa, đã có 12 hồ được Bộ Công thương và UBND tỉnh phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa theo thẩm quyền, hồ thủy điện Đray H’linh 1 đang chờ xem xét. Về thực hiện các quy định quản lý an toàn công trình thủy điện, 13/13 công trình đã đăng ký ATHĐ, 6/13 công trình (Buôn Tua Srah, Buôn Kuôp, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4, Krông Kmar và Đray H’linh 1) đã báo cáo hiện trạng an toàn đập; 13/13 đập đã được kiểm định đập và UBND tỉnh Dak Lak và Dak Nông phê duyệt phương án bảo vệ đập; 6/13 đập (Buôn Tua Srah, Buôn Kuôp, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4, Krông Kmar và Krông Hnăng) đã thực hiện cắm mốc giới bảo vệ đập; 4 công trình (Krông Kmar, Krông Hing 2, Ea Mđoal 2 và Ea Súp 3) đã được phê duyệt phương án PCLB bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ; 4 phương án (Ea Đrăng 2, Ea Kha, Ea Tul 4 và Đray H’linh 1) đang được Sở Công thương thẩm định để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt…

Đập tràn nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.
Đập tràn nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.

Công ty Thủy điện Buôn Kuôp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao quản lý 3 nhà máy thủy điện: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpôk 3 trên bậc thang thủy điện sông Sêrêpôk là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác ATHĐ. Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty cho biết, để phát điện ổn định và bảo đảm ATHĐ trong mùa mưa lũ, đơn vị đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng như thành lập ban chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB), tiểu ban kỹ thuật xả lũ, 3 đội xung kích cho 3 hồ. Trong tháng 6 vừa qua, Công ty cũng đã chủ trì tổ chức hội nghị PCLB để các đơn vị, chủ hồ liên quan tham gia, ký kết các phương án phối hợp PCLB trên 3 hồ. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, ôn luyện các Quy trình vận hành hồ đập trong mùa lũ do Chính phủ và Bộ Công thương ban hành; tổ chức diễn tập PCLB, xả lũ các cấp; ban hành các phương án cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng và phương án bảo đảm thông tin, liên lạc trong mùa mưa bão; tiến hành tổng kiểm tra công tác PCLB tại các nhà máy, tuyến năng lượng, công trình đầu mối; dự phòng vật tư, nhu yếu phẩm tại các hồ, đập và phân công trực ban liên tục…, bảo đảm theo phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, tất cả các đập chính, phụ của 3 công trình đã được kiểm tra, kiểm định, quan trắc đúng quy định, bảo đảm tính an toàn cao; tất cả thiết bị, vật tư phục vụ công tác xả lũ tại các đập tràn đang trong tình trạng hoạt động tốt, nguồn điện dự phòng cấp điện cho các phụ tải quan trọng đã được sẵn sàng. Đặc biệt, Công ty cũng đã hoàn thành Phương án PCLB bảo đảm an toàn đập trong mùa mưa lũ (do Bộ Công thương phê duyệt) và Phương án PCLB bảo đảm cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập (do UBND tỉnh Dak Lak và Dak Nông  phê duyệt), với nội dung cơ bản là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình hồ đập và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho hạ du khi các hồ xả lũ.

Về công tác kiểm tra, giám sát, trước mùa mưa lũ năm nay, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, NN-PTNT kiểm tra công tác quản lý ATHĐ tại các công trình thủy điện. Theo đánh giá của ông Dương Chí Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật, an toàn và môi trường (Sở Công thương Dak Lak), hầu hết chủ các công trình lớn đều chấp hành đầy đủ các quy định về ATHĐ, trong khi đó, nhiều chủ công trình nhỏ còn thiếu sót như: chưa lắp đặt thiết bị quan trắc, chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung của quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt, chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ công tác PCLB chưa đầy đủ…Nguyên nhân do chủ các công trình nhỏ có khả năng tài chính hạn chế nên việc thực hiện các quy định, nội dung và các phương án liên quan đến công tác ATHĐ là rất khó khăn. Bởi vậy, Sở đã nhắc nhở, yêu cầu các chủ công trình kịp thời khắc phục thiếu sót nhằm tránh xảy ra các sự cố mất an toàn các hồ đập thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.