Multimedia Đọc Báo in

Cần từ bỏ tâm lý "sính" ngoại của người tiêu dùng

21:03, 23/08/2014
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, hàng trong nước với sự cải tiến nhiều ở mẫu mã, chất lượng đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người dân về hàng Việt. Tuy nhiên, tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa được khắc phục khiến nhiều mặt hàng nội khó tiếp cận thị trường.

Hiện một số người vẫn có quan niệm mua hàng ngoại đắt tiền thì chất lượng sẽ tốt hơn nên không ít chị em khi mua mỹ phẩm thì phải chọn cho được hàng Nhật Bản, Hàn Quốc; quần áo thì nhất thiết phải là sản phẩm của Mỹ, Thái…. Riêng việc mua sữa cho con, nhiều bà mẹ vẫn có thói quen chọn mua sữa ngoại, dù giá của các sản phẩm này bao giờ cũng cao hơn  sữa nội cùng chủng loại từ 27-50%...  Không nằm ngoài tâm lý đó, ngay cả việc đi tiêm vắc xin, nhiều bà mẹ vẫn chuộng vắc xin ngoại để cho yên tâm (!) Vì thế mới có cảnh nhiều bà mẹ bế con đi tiêm rồi lại bồng con về không, bởi tại hầu hết các điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều hết vắc xin ngoại (loại 6 trong 1, 5 trong 1, thủy đậu…) và chưa biết khi nào mới có. Rõ ràng, tâm lý “sính” ngoại đã khiến các loại vắc xin nhập ngoại “cháy” hàng, trong khi với các loại vắc xin này chất lượng sản xuất trong nước cũng không thua kém gì hàng ngoại, và nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các phường, xã vẫn bảo đảm không thiếu.

Từ thực tế trên cho thấy tâm lý “sính” ngoại vẫn còn ăn sâu trong nhiều người tiêu dùng, bởi họ thiếu thông tin về hàng nội, nhất là những mặt hàng thiết yếu với cuộc sống.

Công bằng mà nói, về vấn đề này cũng chẳng thể trách được người tiêu dùng, bởi khi họ thấy mặt hàng nào tốt, phù hợp với túi tiền và có thông tin rõ ràng về mặt hàng đó thì chắn chắc họ sẽ ưu tiên lựa chọn. Vì thế, muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền quảng bá để từng bước làm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đừng bao giờ quên việc phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ… để thu hút người tiêu dùng.

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.