Multimedia Đọc Báo in

Chương trình giảm tổn thất sau thu hoạch nông sản: Hiệu quả chưa như mong muốn

09:54, 06/08/2014

Những năm qua, nhiều mô hình giảm tổn thất sau thu hoạch (GTTSTH) đối với nông sản đã được triển khai ở các địa phương, bước đầu góp phần giảm công sức thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch cho người dân. Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế từ các đơn vị thụ hưởng.

Thực hiện Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh ngày 22-12-2011 và Kế hoạch số 1178 của UBND tỉnh ngày 12-3-2012, về Chương trình GTTSTH với nông sản giai đoạn 2012 – 2015, hàng năm Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương đã xây dựng các mô hình, triển khai hỗ trợ và kiểm tra việc thực hiện ở các đơn vị thụ hưởng. Cụ thể, năm 2012 cơ quan chức năng đã thực hiện 2 mô hình gồm dịch vụ máy gặt đập liên hợp cho Tổ hợp tác dùng nước Ea Trul, huyện Krông Bông, kinh phí 136 triệu đồng (trong đó 80% là ngân sách khuyến công địa phương, còn lại là vốn đối ứng của đơn vị thụ hưởng) và tổ hợp máy bóc tẻ ngô, sấy nông sản ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pak, kinh phí 189 triệu đồng. Năm 2013 có 3 mô hình được triển khai gồm: 2 tổ hợp máy bóc tẻ ngô và sấy nông sản tổng kinh phí hơn 360 triệu đồng ở xã Ea Trang, huyện M’Drak và Krông Na, huyện Buôn Đôn, dịch vụ gặt đập liên hợp ở xã Ea Rbin, huyện Lak. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã xem xét, ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có diện tích nông sản lớn trong khi khả năng thu hoạch, bảo quản sản phẩm còn hạn chế; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức GTTSTH cho người dân. Hiệu quả từ chương trình này cho thấy, một số máy móc (đặc biệt là máy bóc tẻ ngô) được hỗ trợ cho người dân hoạt động tốt, giảm thời gian, nhân lực thu hoạch nông sản; qua đó nâng cao hiểu biết của người dân các địa bàn thụ hưởng về thu hoạch, bảo quản và sơ chế nông sản.
Ông Ngô Văn Năm, tổ hợp tác dùng nước Ea Trul bên chiếc máy gặt đập không phát huy được hiệu quả.
Ông Ngô Văn Năm, tổ hợp tác dùng nước Ea Trul bên chiếc máy gặt đập không phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên, trong thực tế, các mô hình hỗ trợ này cũng đã xuất hiện những bất cập trong quá trình vận hành sử dụng. Cụ thể, máy gặt đập liên hợp hỗ trợ cho các địa phương có công nghệ lạc hậu, chỉ hoạt động được trên những chân ruộng khô, phạm vi nhỏ với công suất chỉ đạt 1 – 1,5 ha/ngày. Trong khi đó, máy sấy nông sản là loại máy sấy sàn phẳng nên khả năng tự động hóa thấp và tốn nhiều nhân công vận hành nên các đơn vị thụ hưởng cũng không mặn mà sử dụng. Từ khi đưa máy này về cơ sở, chủ sở hữu cũng rất ít khi dùng đến, thậm chí có máy để không vì thời điểm thu hoạch trời không mưa. Điều này không những không phát huy hết hiệu quả của các chương trình hỗ trợ mà còn gây lãng phí nguồn kinh phí. Cụ thể, năm 2012 Tổ hợp tác dùng nước Ea Trul, huyện Krông Bông được hỗ trợ máy gặt đập liên hợp tổng giá trị 136 triệu đồng, trong đó kinh phí đối ứng của đơn vị phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng. Tổ hợp tác đã đưa máy ra đồng vận hành thử thì cả ngày chỉ thu hoạch được 7 sào (trong khi đó các loại máy khác có thể thu hoạch 1 ha trong 2 giờ) nên hiệu quả kinh tế của loại máy này không cao. Hơn nữa, máy không thể hoạt động được ở những chân ruộng sình, địa hình phức tạp. Do vận hành không hiệu quả, đơn vị thụ hưởng đã phải bỏ không từ đó đến nay. Ông Ngô Văn Năm, Tổ trưởng Tổ hợp tác dùng nước Ea Trul cho biết, về chủ trương, việc hỗ trợ theo chương trình GTTSTH có ý nghĩa lớn cho việc sản xuất của người nông dân nói chung, tuy nhiên, một số máy không phù hợp với điều kiện thực tế, nên để tránh lãng phí nguồn kinh phí, đơn vị muốn chuyển giao, thanh lý để đầu tư máy mới nhưng chẳng ai muốn mua. Do vậy, Tổ hợp tác đang có ý định đề nghị các cơ quan chức năng cho tháo máy nổ của tổ hợp máy được hỗ trợ để làm máy bơm nước hoặc sử dụng vào việc khác hiệu quả hơn.

Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên là do các loại máy móc được chuyển giao đến đơn vị thụ hưởng được quy định tại Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh ngày 22-12-2011 về “Chương trình GTTSTH với nông sản giai đoạn 2012 – 2015” đến thời điểm này đã lỗi thời, không còn đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ông Đoàn Thượng Phấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp chia sẻ, để chương trình này thật sự hiệu quả thì thay vì hỗ trợ trực tiếp máy móc đến cơ sở, Nhà nước nên thực hiện hỗ trợ bằng tiền theo giá trị tương đương để các đơn vị thụ hưởng được chọn lựa loại máy phù hợp với điều kiện cụ thể và nhu cầu thực tế của họ, tránh sự bất cập cũng như gây lãng phí do máy móc hỗ trợ không sử dụng được.

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc