Multimedia Đọc Báo in

Để lúa gạo Ea Súp khẳng định thương hiệu

13:08, 02/08/2014

Huyện Ea Súp không chỉ được biết đến là một trong những vựa lúa đứng đầu của tỉnh về diện tích và sản lượng mà chất lượng lúa gạo nơi đây còn nức tiếng cả trong và ngoài tỉnh về độ dẻo, thơm, ngon mà ít nơi nào có được. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế này vẫn còn bỏ ngỏ khi lúa gạo Ea Súp chưa khẳng định được thương hiệu vững chắc trên thị trường.

Tiềm năng và lợi thế lớn

Ea Súp là khu vực có độ cao trung bình thấp nhất tỉnh, địa hình là một vùng bình nguyên tương đối bằng phẳng, được Nhà nước đầu tư xây dựng hai công trình thủy lợi tầm cỡ quốc gia là hồ Ea Súp thượng và Ea Súp hạ với lượng nước lưu trữ bình quân (cả 2 hồ) khoảng 2 triệu m3/năm, cộng với hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng rộng khắp đã đáp ứng một lượng nước tưới tiêu rất lớn cho toàn bộ cánh đồng hàng nghìn héc-ta lúa cùng nhiều diện tích cây trồng khác của huyện. Thậm chí cả trong cao điểm của mùa khô Tây Nguyên hằng năm thì nơi đây vẫn duy trì được việc tưới tiêu cho cây lúa. Từ những lợi thế này đã tạo nên một vùng đất khá màu mỡ để hình thành và phát triển vựa lúa trù phú “cò bay thẳng cánh” mà ít có nơi nào trong tỉnh có được. Riêng từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh và huyện Ea Súp đã trích gần 3,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai để đầu tư bê tông hóa nhiều tuyến kênh như: N9-1, N9-9 ở xã Ea Bung; N3 ở thị trấn Ea Súp; N6-1 tại xã Ea Lê và N43 tại xã Ea Rốk; đồng thời, huyện Ea Súp cũng đã huy động thêm sức dân tiến hành nạo vét và sửa chữa hàng loạt các tuyến kênh nội đồng… tạo điều kiện tốt nhất để bà con nơi đây mở rộng diện tích gieo trồng lúa một cách phù hợp. Vụ đông xuân 2013-2014 vừa qua diện tích lúa của huyện đã được mở rộng thêm 460 ha so với cùng kỳ năm 2013. Chưa hết, nếu như trước đây, bà con chỉ trồng lúa một vụ vì vào mùa mưa nước ngập trắng đồng mấy tháng liền, không thể gieo trồng được thì hiện nay với hệ thống kênh mương giúp tiêu thoát nước tốt, huyện cũng phát triển lên lúa hai vụ, thậm chí có nhiều khu vực như xã Ea Bung, Ia T’mốt, Ea Rốk và thị trấn Ea Súp người dân còn trồng cả lúa vụ 3 với tổng diện tích gần 1.200 ha.

Người dân tại xã Ea Lê thu hoạch lúa
Người dân tại xã Ea Lê thu hoạch lúa

Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp Trần Văn Long cho hay, trước đây, người dân trên địa bàn thường quen canh tác theo tập quán cũ, việc gieo trồng lúa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, lượng giống gieo dày, bón phân và xịt thuốc khá tùy tiện… vì vậy, chi phí đầu tư ban đầu rất cao, nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp. Đặc biệt, chất lượng lúa sau thu hoạch không bảo đảm, ít được thị trường coi trọng. Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành chức năng của tỉnh và địa phương, người dân cũng biết áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất đặc biệt là khâu chọn giống, sử dụng nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu hạn hán, sâu bệnh tốt như ML48, TH3-3, HT1, OM 2517, OMCS 2000, VND 95-19… nên hiệu quả mang lại khá rõ rệt, nhiều hộ chăm sóc tốt, năng suất lúa có thể đạt từ 8-9 tấn/ha. Bên cạnh đó, từ năm 2011 đến nay, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện các mô hình “Cánh đồng lúa mẫu lớn” với giống lúa ML48, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của huyện. Cụ thể, vụ đông xuân năm 2011 thực hiện 6 ha (ở xã Ea Lê), năm 2012: 9 ha, năm 2013: 32 ha (tại 2 xã Ea Lê và Ea Bung) và năm 2014: 20 ha (tại xã Ea Lê và Ea Bung). Kết quả cho thấy năng suất lúa luôn cao hơn cách chăm sóc thông thường khoảng 0,5-1 tấn/ha, chất lượng gạo đạt độ dẻo, thơm, ngon được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao.

Cần sự liên kết chặt chẽ

Để phát huy giá trị kinh tế của cây lúa ở Ea Súp, các đơn vị chức năng và người dân nơi đây cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu từ khâu sản xuất đến đầu ra của sản phẩm như đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng giống mới để nâng cao chất lượng và sản lượng lúa cho vùng, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ… góp phần đưa sản phẩm lúa gạo Ea Súp đi xa hơn. Tuy nhiên lúa gạo nơi đây cũng chỉ dừng ở mức độ là giúp người ta có thể nhận biết xuất xứ từ nơi nào, chứ chưa thật sự trở thành thương hiệu khi lưu thông trên thị trường, nghĩa là tự bản thân nó chưa thể tạo ra giá trị gia tăng. Theo đánh giá của nhiều chủ doanh nghiệp lúa gạo trên địa bàn tỉnh, trên thực tế, nếu phát huy được giá trị kinh tế của cây lúa sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp thu mua, chế biến gạo và cho cả người nông dân.

Năng suất vùng lúa Ea Súp thường đạt cao nhất nhì trong tỉnh.
Năng suất vùng lúa Ea Súp thường đạt cao nhất nhì trong tỉnh.

Gạo Ea Súp không chỉ được sản xuất theo đúng quy trình về bảo đảm chất lượng, mà việc chế biến cũng luôn được người dân tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện như: không sử dụng công nghệ chà bóng, không có chất bảo quản. Anh Nguyễn Văn Song ở xã Ea Bung cho biết, lúa sau khi thu hoạch được bà con đưa đi xay xát tại các cơ sở xay xát trên địa bàn, sau đó, gạo được đóng bao từ 10-50 kg và bán lại cho các thương lái thu mua ngay tại địa bàn, với giá từ 10.000-13.000 đồng/kg. Mặc dù chất lượng gạo được thương lái đánh giá cao, nhưng hiện nay, đầu ra của sản phẩm lại chưa được sâu rộng. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong định hướng sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của những doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp. Thị trường tiêu thụ gạo chủ yếu là ở trong tỉnh và một số địa bàn tỉnh lân cận như Dak Nông, Lâm Đồng, Gia Lai… thông qua thương lái hoặc truyền miệng, chứ chưa hình thành các đại lý để cung ứng gạo tập trung với quy mô lớn. Vì vậy, giá gạo vẫn còn thấp hơn so với những sản phẩm gạo khác trên thị trường. Nhiều khi thương lái mua về còn trộn lẫn với những loại gạo khác để bán dưới một thương hiệu khác, gây thiệt thòi cho nông dân. Do đó, hiện tại, bà con cũng đang rất mong muốn sản phẩm sớm có thương hiệu để đầu ra và giá thành luôn được ổn định, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho mặt hàng gạo Ea Súp.

Ông Trần Văn Long Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện thì cho rằng: Để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Ea Súp, trước tiên phải hình thành giống lúa riêng. Vì hiện nay, người nông dân luôn thay đổi các giống lúa một cách chóng mặt, cứ nghe nói giống nào tốt, năng suất cao là trồng giống đó… chưa xây dựng được giống đặc chủng thì việc xây dựng thương hiệu là rất khó. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các “nhà” trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn là rất quan trọng, là yếu tố bảo đảm thành công. Ở mô hình này, vai trò của các hộ dân vẫn được phát huy nhưng thay vì hình thức mạnh ai nấy làm như trước thì nay được sản xuất theo quy trình đồng bộ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch cùng một thời điểm. Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng địa phương thì các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng phải đẩy mạnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Điều quan trọng từ mô hình là nông dân các địa phương khác nhìn thấy hiệu quả để áp dụng và nhân rộng chứ không phải chỉ để trình diễn và khi hết dự án lại quay về lối sản xuất cũ. Muốn làm được điều này, việc cơ giới hóa đồng bộ, lai tạo giống chất lượng cao và khâu thu mua bao tiêu sản phẩm với giá ổn định… mới giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất và khi thấy hiệu quả, bà con sẽ hưởng ứng mà không cần phải vận động, tuyên truyền nhiều.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.