Doanh nghiệp và cộng đồng liên kết để phát triển du lịch
Doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, còn cộng đồng cung cấp và đáp ứng các dịch vụ văn hóa tại chỗ nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách... là hướng đi bền vững của Công ty Du lịch Vạn Phát liên kết với nhiều hộ gia đình người M’nông ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn (huyện Lak).
Văn hóa là tài nguyên du lịch
Buôn Lê đẹp và thơ mộng, nằm cạnh hồ Lak huyền thoại. Vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của cộng đồng người M’nông ở đây được xem là nguồn tài nguyên quý giá để nghiên cứu, khai thác phát triển du lịch. Vì thế từ đầu năm 2014 đến nay, Công ty Du lịch Vạn Phát (31 Trần Nhật Duật – TP. Buôn Ma Thuột) đã nỗ lực liên kết với người dân bản địa khảo sát, vận động và xây dựng tour Home stay với nhiều sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn… Anh Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty cho rằng, loại hình Home stay thật ra không phải là mới, trên địa bàn tỉnh nhiều doanh nghiệp làm du lịch như Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak, Đam San, Thanh Hà, Banmeco… đã triển khai từ nhiều năm qua tại huyện Buôn Đôn và Lak. Tuy nhiên, du khách đến với tour du lịch này không nhiều và đang có chiều hướng giảm sút do chất lượng các dịch vụ “ăn theo” không bảo đảm. Đặc biệt là thời gian lưu trú ở đó quá thấp nên không thể hình thành và phát triển chuỗi giá trị gia tăng của ngành theo hướng chia sẻ lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Do đó Công ty Du lịch Vạn Phát mong muốn đứng ra tổ chức, phân chia lại chuỗi giá trị gia tăng này một cách tích cực và hợp lý hơn, còn nội dung của loại hình Home stay vẫn thế, không có gì khác biệt. Có chăng ở đây là tăng cường và thắt chặt sự đồng thuận, trách nhiệm giữa doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Theo anh Tuấn, việc giải quyết tốt mối quan hệ trên mới là “chìa khóa” mở ra thành công của tour Home stay ở buôn Lê. Bởi vậy, Công ty phải mất gần 6 tháng để làm công tác vận động, tập huấn và hướng dẫn bà con tham gia làm du lịch. Đến nay, ngoài 5 nhà dài của người dân tộc bản địa được Công ty đầu tư nâng cấp, tôn tạo lại một cách đồng bộ hơn - từ sàn ngủ, sân vườn đến khu vệ sinh… để phục vụ du khách, Vạn Phát cũng đã quy tụ hàng chục nghệ nhân dệt thổ cẩm, làm rượu cần, ẩm thực và trình diễn văn hóa-văn nghệ dân gian để thu hút du khách khi đến buôn Lê trải nghiệm. Chị H’Ben, một trong những nghệ nhân nổi tiếng trong vùng được giao đôn đốc, quản lý nhóm dệt thổ cẩm và làm rượu cần ở đây cho hay: thời gian trước các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn như Khu Du lịch Hồ Lak (Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak), Đức Mai… cũng đưa du khách đến buôn Lê thăm thú, nhưng do mối liên kết giữa hai bên còn lỏng lẻo, thiếu bài bản khiến hiệu quả mang lại không cao. Nhất là thời gian lưu trú quá thấp do không hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ kèm theo như dệt, may thổ cẩm, làm rượu cần, ẩm thực truyền thống… khiến du khách mau chán, không có hứng thú quay lại. Giờ đây Công ty Du lịch Vạn Phát tổ chức lại theo hướng bài bản và gắn kết hơn. Chị H’Ben cho rằng những lớp tập huấn nấu ăn, cắt may thổ cẩm, làm rượu cần, mát xa chân và cả công tác quản trị doanh nghiệp được Công ty đứng ra tổ chức từ 7-10 ngày/lớp đã giúp cộng đồng buôn Lê tự tin hơn trong công việc.
Du lịch huyện Lak thật sự là điểm đến?
Đó là mong muốn của nhiều người, trong có anh Nguyễn Anh Tuấn-người đại diện của Công ty Du lịch Vạn Phát đang nỗ lực biến ước mơ đó thành hiện thực. Anh Tuấn chia sẻ: đã đi tìm hiểu, khảo sát nhiều vùng như Krông Bông, Ea Súp, Buôn Đôn, M’Drak…nhưng cuối cùng nhận thấy không nơi nào “đắc địa” bằng huyện Lak. Ngoài thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có sông suối, rừng cây, hồ nước… lại nằm cạnh quốc lộ 27 (Buôn Ma Thuột - Lâm Đồng), mảnh đất này còn ẩn chứa một nền văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của người M’nông Gar tiêu biểu. Tất cả những giá trị đó, nếu được quan tâm đánh thức thì chắc chắn huyện Lak sẽ là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Dak Lak.
Nhà dài truyền thống ở buôn Lê được đầu tư nâng cấp để phục vụ du khách. |
Ông Đỗ Quốc Hương-Chủ tịch UBND huyện Lak cho rằng, để “ngành công nghiệp không khói” ở đây có bước phát triển nhảy vọt, tương xứng với tiềm năng vốn có, rất cần sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp lớn thì làm những dự án lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ như Vạn Phát, Đức Mai, HTX Voi buôn Jun… thì đi vào liên kết, khai thác những giá trị văn hóa hiện có do các cộng đồng dân tộc bản địa sở hữu cũng là “kênh” đầu tư, kích thích cho du lịch ở vùng đất này khởi sắc và có chiều sâu hơn. Ông Hương đánh giá: việc dựa vào cộng đồng để làm du lịch, rồi lấy lợi nhuận ở đó quay lại chia sẻ, tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống là bước đi thích hợp, được chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Đến nay, huyện Lak đã có quy hoạch tổng thể về ngành kinh tế mũi nhọn này và thành lập Ban chỉ đạo phát triển Du lịch cấp huyện. Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy và thu hút các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực du lịch.
Chương trình phát triển Du lịch huyện Lak từ nay đến năm 2020 đặt ra vấn đề trọng tâm là khai thác tiềm năng và thế mạnh về du lịch ở địa phương để tạo cơ hội cho người dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước phát triển kinh tế hộ một cách ổn định, bền vững. Từ mục tiêu đó, anh Nguyễn Anh Tuấn-Giám đốc Công ty Du lịch Vạn Phát chia sẻ: Liên kết với bà con và giúp đỡ họ có công ăn, việc làm để nâng cao thu nhập thông qua chuỗi gia tăng giá trị của từng tour, loại hình du lịch là vấn đề mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải quan tâm, nếu bỏ qua điều quan trọng này thì khả năng và mức độ thành công khi đầu tư vào đây là rất thấp. Trên bình diện này, anh Tuấn cũng như nhiều người làm du lịch văn hóa-sinh thái ở Lak vẫn còn trăn trở: liên kết với người dân để làm du lịch mà đời sống kinh tế của bà con không bảo đảm thì dễ dẫn tới rạn nứt và đứt gãy. Thực tế đó có thể thấy từ các tour Home stay mà các đơn vị du lịch đã xây dựng trước đó trên địa bàn. Nguyên nhân một mặt do không hình thành và phát triển được chuỗi gia tăng giá trị các sản phẩm, dịch vụ du lịch như đã nêu; mặt khác do quỹ đất của các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ ở buôn Lê, buôn Jun, buôn M’liêng và buôn Dơng Bak… nằm xung quanh hồ Lak còn quá thấp (bình quân khoảng 400m2/hộ) nên ngoài thời gian tham gia với các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch vào 6 tháng mùa khô, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập. Nếu được chính quyền địa phương quan tâm hơn, đáp ứng nguyện vọng của người dân là có thêm đất canh tác, sản xuất trong vùng du lịch được quy hoạch để nuôi trồng các loại cây, con đặc sản cung cấp cho nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trong vùng theo hướng khép kín thì tin rằng “ngành công nghiệp không khói” ở đây sẽ có thêm điều kiện phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
Ban chỉ đạo phát triển Du lịch huyện Lak cũng đã nhìn nhận đây là mục tiêu cần phải hướng tới trong những năm tiếp theo, khi vùng du lịch này ngày càng sáng rõ trên bản đồ du lịch Tây Nguyên cũng như cả nước. Bởi một vùng du lịch trọng điểm như huyện Lak đã được quy hoạch phát triển trên quy mô rộng gần 12 km2, bao gồm từ các xã Yang Tao, Bông Krang vào tận Dak Phơi, Dak Nuê… bao bọc quanh trung tâm hồ Lak, khu Biệt điện Bảo Đại với đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch như khám phá vốn văn hóa-sinh thái đặc trưng bản địa, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học được tập trung, thu hút về đây thì nguồn lương thực và thực phẩm phục vụ nhu cầu của du khách là vấn đề không thể bỏ qua.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc