Multimedia Đọc Báo in

Hàng hóa mùa Tết Trung thu

10:52, 22/08/2014

Những ngày này thị trường Buôn Ma Thuột tràn ngập hàng hóa phục vụ Tết Trung thu với nhiều mẫu mã, màu sắc sinh động, hấp dẫn. Tết Trung thu – tết tình thân cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh kẹo, đồ chơi vào mùa làm ăn.

Dọc các tuyến đường Lê Thánh Tông, Phan Bội Châu, Y Jút, Quang Trung… (TP. Buôn Ma Thuột) đã xuất hiện nhiều ki - ốt bán bánh trung thu với các thương hiệu khác nhau: Công ty CP Kinh Đô, Công ty CP Bibica, Công ty Yến Sào Khánh Hòa… Nhìn chung, giá các mặt hàng tăng 10 – 15 nghìn đồng/sản phẩm, đi kèm là khối lượng mỗi chiếc bánh cũng tăng nhẹ từ 5 – 50 gam.

Khách hàng chọn mua đồ chơi Trung thu trên đường Y Jút  (TP. Buôn Ma Thuột).
Khách hàng chọn mua đồ chơi Trung thu trên đường Y Jút (TP. Buôn Ma Thuột).

Là một trong những thương hiệu sản xuất bánh kẹo với quy mô lớn, có phương pháp tiếp thị sản phẩm chuyên nghiệp nên Công ty Cổ phần Kinh Đô đã mở hàng loạt ki - ốt ở thành phố trước Trung thu cả tháng, riêng khu vực Công viên TP. Buôn Ma Thuột đã có gần 10 ki-ốt. Chị Nguyễn Thị Vy Vy, chủ cửa hàng trên đường Lê Thánh Tông, có kinh nghiệm bán bánh Trung thu Kinh Đô hơn 8 năm nay chia sẻ: “Bánh Trung thu của các hãng lớn luôn phong phú về loại mặt hàng, giá niêm yết từ 38 nghìn đồng/sản phẩm: bánh dẻo sầu riêng, dẻo đậu xanh, hạt sen… đến giá trên 2 triệu đồng/sản phẩm như: trăng vàng kim cương, trăng vàng bạch kim. Với khách hàng thân thiết, mua số lượng hàng lớn thì cửa hàng sẵn sàng chiết khấu 10 – 15% hoặc tặng kèm loại đèn lồng 15 – 25 nghìn đồng. Thông thường, người dân thường mua loại bánh cao cấp, đắt tiền để làm quà, còn để ăn thì thường mua loại bánh rẻ hơn.

Tận dụng mỗi năm chỉ có duy nhất một Tết Trung thu, các hãng tung ra nhiều sản phẩm gây chú ý với khách hàng, từ tên gọi sang trọng đến việc mở rộng điểm kinh doanh hoặc bán trực tiếp ở các tuyến phố đông người sinh sống, làm việc. Tuy mẫu mã bắt mắt, vị trí ki - ốt khá đắc địa nhưng sản phẩm tiêu thụ khá chậm so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhiều cửa hàng bán từ sáng tới 22 giờ nhưng lượng khách khá khiêm tốn, chủ yếu là mua sản phẩm cao cấp về làm quà biếu.

Cũng như mặt hàng bánh kẹo, nhiều đồ chơi cho trẻ em dịp này cũng nở rộ như: đầu lân, mặt nạ, các loại đèn lồng... Trong đó, thị trường gây được sự chú ý nhiều nhất cho khách hàng là đèn lồng sản xuất trong nước, có sự bứt phá rõ rệt về chất liệu, mẫu mã. Đặc biệt năm nay phụ huynh dần có sự xa lánh đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc nên các mặt hàng Việt Nam: mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, đầu lân, trống tay, đèn xếp giấy, hay mặt nạ các nhân vật hoạt hình… có giá từ 20 – 120 nghìn đồng/chiếc được người tiêu dùng lựa chọn. Đáng kể nhất trong Tết Trung thu này là mẫu đèn lồng với thông điệp như: Hướng về Biển Đông, Biển đảo quê hương em, Bé hướng về biển đảo, Em yêu chú bộ đội hải quân Việt Nam… giá chỉ 20 – 50 nghìn đồng/sản phẩm, lại mang tính giáo dục tinh thần yêu nước nên được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Anh Nguyễn Hùng, phường Tân Thành đang chọn mua đồ cho con tươi cười: “Năm ngoái đi chọn mãi mà chẳng có ấn tượng với sản phẩm nào, nhưng năm nay lại rất vui vì hàng Việt Nam ngày càng chất lượng và đẹp mắt. Ví như cái đèn lồng mang thông điệp “Bé hướng về biển đảo” này thôi, dù được kết cấu khá đơn giản nhưng lại tinh tế, đẹp mắt, ý nghĩa”. Ngoài các loại đèn lồng trên thì loại có nhạc chạy bằng pin, đèn lồng hình cá, chim, tàu biển… cũng được bày bán đa dạng kích cỡ với mức giá từ 20 – 70 nghìn đồng/sản phẩm. Cô Bùi Thị Ngãi, chủ cửa hàng bàn đồ chơi trẻ em trên đường Y Jút vui mừng: “Năm nay các mặt hàng sản xuất trong nước được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Đặc biệt là sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc sản xuất loại đèn lồng hướng về biển đảo, không chỉ đẹp mắt mà giá cả phải chăng, bởi nó không đơn thuần là món đồ chơi mà còn góp phần giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước”.

Mặc dù thị trường Tết Trung thu đa dạng, hấp dẫn nhưng vẫn còn những hạn chế. Đơn cử, việc đặt các ki - ốt trên vỉa hè dẫn đến việc khách hàng đành phải để xe ven đường, gây mất an toàn giao thông cho người đi đường và mỹ quan đô thị. Mặt khác, dù số lượng đã hạn chế hơn so với năm ngoái nhưng các loại đồ chơi Trung Quốc vẫn được bày bán ở một số cửa hàng…

 Quỳnh Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.