Hàng loạt tuyến đường xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh
Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp trong thời gian qua, có rất nhiều ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng nhiều tuyến đường xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Từ đường nội thành...
Có đến tận nơi, chứng kiến tận mắt, mới thấy được nỗi vất vả của người dân khi phải hằng ngày qua lại trên những tuyến đường đầy ổ voi, ổ gà, không chỉ ở khu vực nông thôn mà ngay trong lòng trung tâm thành phố. Đường Mai Xuân Thưởng, đoạn giao nhau với đường Y Ngông chỉ vỏn vẹn khoảng 100 mét, nhưng vị trí này có độ dốc lớn, đường lại lởm chởm đá dăm nên nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra là rất cao. Theo phản ánh của một số người dân phường Tân Thành, đoạn đường này bị hư hỏng từ lâu, song đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra sửa chữa. Còn tại địa bàn phường Khánh Xuân, rất nhiều tuyến đường cũng chung cảnh ngộ, chưa mưa đã ngập, lớp thảm nhựa mặt đường bong tróc từng mảng lớn, nhỏ, trở thành những vật cản giao thông, gây khó khăn cho người qua lại. Cho đến giờ, bà Nguyễn Thị Thẻ, người dân khối 15, phường Khánh Xuân vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những vụ té xe do đường hư hỏng. Bà Thẻ bức xúc, nhà bà ở gần đường nên mỗi lần nghe tiếng rầm bà chạy ra thì thấy hàng hóa đổ ngổn ngang, người bị té xuống đường gãy tay, gãy chân, thậm chí có trường hợp bị chấn thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Còn anh Võ Văn Hải, khối 7 phàn nàn, đường vốn đã nhỏ, nay xuất hiện chi chít ổ voi, ổ gà, vào lúc cao điểm học sinh đi học và tan trường thì phải nhường nhau đi, hoặc chấp nhận đi xuống vũng nước. Trong trường hợp có xe tải, công nông đi qua chỉ còn cách né xe vào nhà dân mới tránh khỏi va quệt. Đường Y Nuê (phường Ea Tam) - một tuyến đường có mật độ giao thông rất cao, trong khi mặt đường quá hẹp nên rất khó khăn cho người qua lại. Chị Nguyễn Thị Lê phản ánh, hằng ngày đi làm qua lại đoạn đường này rất nguy hiểm, chị cũng từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn tự ngã, hoặc va quệt với các xe lưu thông trên đường Lê Duẩn. Bởi vậy, mỗi lần ngang qua đây, chị lại thấy run, nhất là khi chở con nhỏ phía trước.
Mặt đường ở khối 9, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) nhiều đoạn không còn nguyên vẹn. |
Đến đường tỉnh
Không chỉ khu vực nội thành, các tuyến đường tỉnh cũng chẳng hơn gì. Chẳng hạn như tỉnh lộ 2, đoạn từ điểm giao nhau với Quốc lộ 14 đến địa phận xã Ea Na (huyện Krông Ana), nhiều đoạn mặt đường bị lõm sâu, là nỗi kinh hoàng của người dân địa phương. Mùa mưa đến thì đoạn đường này trở thành cái bẫy thường trực dễ gây tai nạn với người tham gia giao thông. Nguyên nhân của đường xuống cấp, ngoài lý do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thì tình trạng xe quá tải lưu thông nhiều cũng là yếu tố tác động trực tiếp. Được biết, mỗi ngày có hàng chục xe chở cát, gạch từ huyện Krông Ana, tải trọng nặng lưu thông qua đây, khiến đường vốn đã xuống cấp, nay càng trở nên hư hỏng trầm trọng hơn. Hơn thế, đoạn đường không có đèn chiếu sáng nên cũng rất nguy hiểm cho người đi đường vào ban đêm. Không thể chờ đợi Nhà nước, những người dân dọc tuyến đường đã lấy đất đá, xà bần san lấp các vũng lún để hạn chế tai nạn, nhưng đang là mùa mưa nên chỉ được mấy ngày là toàn bộ bị cuốn phăng hết. Nhiều năm nay đã có hàng chục lượt ý kiến của cử tri đề nghị sửa chữa, đồng thời ngăn chặn tình trạng xe quá tải phá đường, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm từ cơ quan chức năng. Trong khi đó, hàng ngày người dân phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập khi qua lại trên đường.
Tỉnh lộ 2 tan nát vì xe tải trọng nặng. |
Bên cạnh những nguyên nhân như xe tải trọng nặng cày nát đường, do không có vốn duy tu bảo dưỡng thường xuyên, tác động từ yếu tố thời tiết… thì việc chậm trễ của một số chủ đầu tư, thi công không bảo đảm chất lượng cũng khiến người dân bức xúc. Đơn cử như tỉnh lộ 12, đoạn qua huyện Krông Bông, hầu hết mặt đường láng nhựa đều bị xuống cấp trầm trọng. Được biết, hàng năm tuyến đường được ngân sách cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nhưng theo lý giải của đơn vị quản lý thì do kinh phí quá ít không đáp ứng nhu cầu nên việc bong, bật đá dăm ở những điểm “vá” là khó tránh khỏi. Thậm chí một số đoạn vừa nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng đã xuất hiện hư hỏng cục bộ như tỉnh lộ 1, đoạn qua huyện Buôn Đôn.
Đường xuống cấp là một trong những nguyên nhân gây ra không ít vụ tai nạn và va chạm giao thông. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch, phân bổ nguồn vốn hợp lý để kịp thời duy tu bảo dưỡng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trong mùa mưa lũ. Cùng với đó, cần xử lý nghiêm chủ đầu tư và đơn vị thi công chậm trễ tiến độ hoặc thi công không bảo đảm chất lượng công trình và an toàn giao thông.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc