Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ "Thương mại và thời trang Dak Lak năm 2014": Khách xem nhiều, mua ít - vì sao?

10:24, 04/08/2014
Hội chợ “Thương mại và thời trang Dak Lak năm 2014” do Sở Công thương phối hợp với Công ty TNHH MTV Võ Phương Anh (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Tiến Lợi tổ chức từ 22 đến 29-7 tại khu đất trống trên đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột), với khoảng 200 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm ngành may mặc, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ… đã hút được lượng khách khá lớn.

Anh Thủy, một người bán hàng gia dụng tại hội chợ cho biết, để tạo sự chú ý, người bán phải lanh mắt, lanh tay, miệng nói liên tục nhưng tai phải lắng nghe khách nói gì về sản phẩm của mình. Hễ có người dừng chân trước gian hàng là anh phải hướng dẫn họ sử dụng, bảo quản từng dụng cụ, từng món hàng cụ thể, tuy nhiên, trong 15 người xem hàng chỉ có 1-2 người mua. Tương tự, chị Thủy một người bày bán quần áo tại hội chợ cũng chia sẻ, không có khách thì ngồi không, không biết làm gì, khách đông lại mệt vì khách xem nhiều, hỏi màu tìm màu, hỏi kích cỡ tìm kích cỡ, rồi mở tung quần áo ra xem, nhưng rất ít người mua…

Dạo một vòng quanh hội chợ rất dễ thấy những gian hàng áo sơ mi 100.000 đồng/3 cái, áo cá sấu 100.000 đồng/3 cái, bộ quần áo lửng 110.000 đồng/3 bộ, sữa tắm 100.000 đồng/3 chai lớn, son môi 25.000 đồng/cái, dép tông 20.000 đồng/đôi… Bên cạnh đó, các mặt hàng như vòng tay, vòng cổ, móc chìa khóa, móc điện thoại, tượng gỗ nhỏ, kiềng siêu tiết kiệm ga… không bao bì, nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan; đồ chơi có nguồn gốc Trung Quốc nhưng không có phụ đề tiếng Việt; nhiều thỏi son, nước hoa, phấn má hồng, macara, bút chì viền môi… bao bì quá cũ, dòng chữ chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc bị tô đậm bằng bút lông tối màu, phải nhìn kỹ mới thấy… Chị Phạm Thị Tuyết, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, dịp tổ chức các hội chợ chị thường rủ bạn bè hoặc cả gia đình cùng đi chơi, tham quan nhưng rất hiếm khi mua hàng bởi mặt hàng của các hội chợ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần đến nhàm chán. Hội chợ năm nay mang tiếng thương mại và thời trang, nhưng quần áo bán rẻ hơn cả “chợ trời”, 30.000 đồng/chiếc, sờ vào vải thấy thô, mỏng. Nhiều người ham rẻ nên mua nhưng, chỉ cần vài nước giặt, quần áo sẽ nhăn nhúm, đổi màu hoặc dãn ra…

Khách tham quan tại các gian hàng “Thương mại và thời trang Dak Lak năm 2014”.
Khách tham quan tại các gian hàng “Thương mại và thời trang Dak Lak năm 2014”.

Không chỉ các mặt hàng bày bán chất lượng không bảo đảm mà hội chợ còn sơ sài, trời mưa chủ các gian hàng tự sắm bạt mạnh ai nấy che. Chỉ cần một trận mưa là lối đi ngập đầy bùn khiến người tham quan phải xắn quần, xách dép để đi. Nhiều gian hàng không có nhãn hiệu, bảng tên, chỉ có mỗi chiếc bàn nhỏ dùng để vừa trưng bày, vừa bán hàng suốt 7 ngày diễn ra hội chợ. Bên cạnh đó, các gian hàng muốn gây sự chú ý với khách tham quan đã tự thu thanh và mở loa hết công suất: “100.000 3 cái, rẻ như chưa bao giờ rẻ hơn, mua rẻ bán rẻ” “mua đi, rẻ không mua thì tiếc, mua về không dùng thì tặng”...; chắn ngang lối đi mời mọc, níu tay, giật áo để lôi kéo khách tham quan vô tình đi ngang qua… nhưng khi khách hàng đứng xem mà không mua sản phẩm nào người bán lại nặng lời: “xem kỹ thế mà không mua hả?”, “xới tung cả đống đồ rồi bỏ đi à!”, thậm chí đuổi khách “đi cho người ta bán hàng”…

Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn cho biết, cuối tuần rồi, tranh thủ thời gian rỗi, hai vợ chồng chị dắt con nhỏ tham quan hội chợ, đang đi dạo vui vẻ thì tiếng loa của gian hàng bị rè khiến đứa nhỏ khóc ré lên dỗ mãi mới nín. Ra về gần tới cổng thì bị người bán hàng gần đó níu tay, chèo kéo mua sữa tắm 100.000 đồng/3 chai. Từ ý định đi chơi vui vẻ, thay đổi không khí sau một tuần làm việc, gia đình chị lại rước thêm bực bội.

Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ nhằm tìm kiếm cơ hội, giao kết hợp đồng, mua bán hàng hóa… Qua các hội chợ, nhiều đơn vị đã giới thiệu được sản phẩm, xây dựng tên tuổi từ một đơn vị nhỏ lẻ thành thương hiệu nổi tiếng và tìm được thị trường tiêu thụ như bánh tráng Hòa Nhơn, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), mây tre đan, thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), rượu cần… Còn với người tiêu dùng, hội chợ vừa là địa điểm tham quan, giải trí, vừa để mua hàng vì họ tin tưởng vào đơn vị tổ chức, cơ quan chức năng, doanh nghiệp uy tín. Thế nhưng, dư luận cho rằng các hội chợ diễn ra thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đang bị biến dạng, tình trạng bày bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra tràn lan. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát đầu vào của các sản phẩm bày bán tại các hội chợ để không làm biến tướng kênh xúc tiến thương mại lành mạnh này, đồng thời tránh phiền hà cho người dân khi tham quan, mua hàng.

 Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.