Kinh tế Dak Lak - Những tín hiệu lạc quan
Có thể nói, đến nay bức tranh kinh tế Dak Lak đã có dấu hiệu hồi phục tích cực, từng bước phát triển đồng bộ, có chiều sâu nhờ sự điều hành năng động và hiệu quả từ phía Nhà nước cũng như ý thức vượt khó vươn lên của các thành phần kinh tế ở địa phương.
Doanh nghiệp hồi phục, đầu tư được mở rộng
Trong đó, lạc quan nhất là khu vực kinh tế tư nhân đã nhanh chóng gượng dậy và tăng tốc đáng kể sau “cơn bão” suy thoái kinh tế thế giới và trong nước quét qua. Tính đến nay, có gần 2.450 doanh nghiệp (DN) dân doanh đăng ký thành lập, đạt mức tăng trưởng bình quân 16%/năm (giai đoạn 2013-2014), nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 7.820 đơn vị. Ngoài ra có 976 chi nhánh và 232 văn phòng đại diện của các DN thuộc nhiều tỉnh, thành trong nước đăng ký hoạt động tại Dak Lak. Hơn thế, trong thời gian qua, các DN trong tỉnh đã chủ động triển khai Chương trình hợp tác và đầu tư sang Lào, Campuchia trong khuôn khổ quy hoạch tổng thể Tam giác Phát triển của ba nước Đông Dương để không những thắt chặt mối đoàn kết, hợp tác với các quốc gia trong khu vực, mà còn tạo sự ổn định cho kinh tế-xã hội nội vùng phát triển một cách vững chắc. Được biết, đến nay đã có 10 DN đăng ký kinh doanh, đầu tư tại Lào và Campuchia với 6 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp - và theo đánh giá của UBND tỉnh, đây là những “hạt nhân” quan trọng để từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Về hoạt động xúc tiến, vận động viện trợ, đầu tư từ các tổ chức quốc tế cũng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, theo đó, số lượng các dự án đầu tư nước ngoài (chủ yếu là ODA) đã tăng lên rõ rệt. Trong giai đoạn này đã vận động được 45 dự án với tổng mức đầu tư 350 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực hạ tầng, giáo dục, y tế và giảm nghèo…, trong đó có 15 dự án đã triển khai, với tổng mức đầu tư hơn 150 triệu USD. Ngoài ra, các chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ cũng được chính quyền địa phương xúc tiến kêu gọi và vận động một cách hiệu quả, trong đó phần lớn tập trung vào các lĩnh vực phát triển cộng đồng, sinh kế và an sinh xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 30 Tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động (thông qua 30 khoản viện trợ), trong đó tỉnh đã vận động thành công 1 dự án với quy mô tài trợ từ tổ chức AP – Hoa Kỳ (khoảng 13 triệu USD).
Ngành chế biến gỗ ở Dak Lak đang hồi phục nhờ các doanh nghiệp biết phân khúc thị trường sản xuất - kinh doanh sau “cơn bão” suy thoái kinh tế 2011-2013, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Dak Lak đạt 75 triệu USD trong năm 2014. |
Kinh tế tập thể không ngừng được quan tâm
Được đánh giá đây là thành phần kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX) luôn được quan tâm về chính sách đất đai, thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại và đổi mới công nghệ… Về chính sách đất đai, đến nay đã có 59 HTX được giao, cho thuê đất, với diện tích gần 421 ha, 100% HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được miễn giảm thuế thu nhập DN. Nhiều đơn vị khác trong khu vực kinh tế này cũng được xóa nợ đọng từ những năm trước và miễn thu thủy lợi phí, với số tiền khoảng 2,4 tỷ đồng. Đặc biệt, chính sách tín dụng cho kinh tế HTX đã được mở rộng và hỗ trợ thông qua nhiều “kênh” như Quỹ hỗ trợ phát triển của tỉnh, Quỹ quốc gia về việc làm (Liên minh HTX Việt Nam) và các nguồn vốn ưu đãi khác, với tổng số gần 4 tỷ đồng. Từ sự quan tâm, hỗ trợ này đã giúp các HTX giảm dần khó khăn về vốn, từng bước tiếp cận với nhiều chính sách tín dụng để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và tăng dần doanh thu. Chưa kể, thời gian qua HTX còn được hỗ trợ về ứng dụng và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cho trái bơ thương phẩm, cà phê sạch, nhung nai, mây tre đan và thổ cẩm, lần lượt tại các HTX nông nghiệp Công Bằng (Ea Kiết-huyện Cư M’gar), Lộc Nguyên, THT (xã Cư Êbur-TP. Buôn Ma Thuột), Phú Thịnh (Krông Pak)…Liên minh HTX Dak Lak cho biết, trong thời gian tới các chính sách hỗ trợ trên sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế quan trọng này phát triển vững chắc để hàng năm đóng góp khoảng 13-14% vào GDP của tỉnh.
Những thành quả đạt được trên cho thấy kinh tế Dak Lak về nội lực cũng như ngoại lực đang trên đà lấy lại vị thế của mình trong khu vực Tây Nguyên, xứng đáng với vai trò động lực phát triển kinh tế của cả vùng.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc