Multimedia Đọc Báo in

Thời ngân hàng "đi tìm" người vay

16:11, 26/08/2014
Hiện nay, hàng loạt ngân hàng đang dư thừa nguồn vốn nhưng “bí” đầu ra. Do vậy, để giải quyết vốn tồn kho, bên cạnh việc tung ra nhiều gói cho vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng đã có những cách tiếp cận khác nhau để lôi kéo khách hàng vay vốn tại đơn vị mình.
 
Trước đây, thời tín dụng tăng trưởng "nóng", thì các ngân hàng có quyền cho người này vay hoặc từ chối thẳng thừng không cho vay, nên người vay luôn ở trạng thái "đói vốn", phải chạy vạy khắp các ngân hàng xin vay, thậm chí chấp nhận "bôi trơn" để mong vay được tiền! Nhưng ở thời điểm này, vị thế của ngân hàng trong quan hệ tín dụng với khách hàng đã có thay đổi đáng kể, ngân hàng phải cạnh tranh để tiếp cận khách hàng, chào mời vay vốn. Năm 2014, cuộc đua tăng tín dụng đã “nóng” ngay từ đầu năm, vì cái đích tăng trưởng tín dụng hàng năm từ 12 - 14% của Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Theo đó, hầu hết các ngân hàng đều “tung” ra các gói tín dụng ưu đãi để săn đón khách hàng vay nhiều hơn là huy động. Hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lớn được các ngân hàng liên tiếp đưa ra như gói 5 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), 4 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank), 2 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Quốc tế (VIB), hay 1 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông Việt Nam (OCB)... Với những doanh nghiệp (DN) có uy tín hoặc có nhu cầu vay vốn được các ngân hàng gọi điện mời chào liên tục. Ông T. Giám đốc một DN xây dựng tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, gần đây ông liên tục nhận được cuộc gọi và hẹn gặp của nhân viên tín dụng các ngân hàng mời chào vay vốn. Từ lúc lập công ty đến nay, chưa bao giờ ngân hàng lại tìm đến mình mời vay vốn với lãi suất khá mềm như lần này; trước đây thì họ toàn gọi mời chào gửi tiền, mở tài khoản... nhất là năm ngoái, lĩnh vực xây dựng của ông muốn tiếp cận được vốn ngân hàng thì vô cùng khó khăn.
"Cộng tác viên" đang giới thiệu sản phẩm tại một cửa hàng bán xe máy.

Những khách hàng lớn là các DN đã đành, trước áp lực lớn về tăng trưởng tín dụng, nay các ngân hàng đã có chiều hướng tiếp cận đa dạng khách hàng. Có thể dễ dàng nhận thấy thời gian gần đây, tại các cửa hàng kinh doanh sản phẩm có giá trị như đồ điện tử, xe máy, ô tô... đã xuất hiện lực lượng "cộng tác viên" của các ngân hàng tiếp cận, tư vấn cho vay đối với những người có nhu cầu mua hàng trả góp. Mới đây một đồng nghiệp tôi có ý định mua một chiếc xe ô tô, trong quá trình tham khảo tại các showroom ô tô đã để lại những thông tin cá nhân liên quan. Ngay ngày hôm sau anh đã nhận được những cú điện thoại giới thiệu sản phẩm cho vay trả góp của nhiều ngân hàng khác nhau. Không chỉ có mặt ở các cửa hàng tại TP. Buôn Ma Thuột, lực lượng “cộng tác viên” của các ngân hàng còn đi đến hầu khắp các huyện, thị xã trong tỉnh để… vận động người vay. Một chủ cửa hàng xe máy tại chợ Trung Hòa (huyện Cư Kuin) cho biết, có nhiều ngân hàng đến đặt vấn đề cho nhân viên “cắm” tại cửa hàng để tư vấn cho khách hàng có nhu cầu mua xe máy trả góp; và hiện đang có hai nhân viên của ngân hàng lớn đang “cắm chốt” tại của hàng của ông. Việc tiếp cận, làm thủ tục cho vay trả góp đều do những nhân viên này làm việc trực tiếp với khách hàng, cửa hàng chỉ việc bán xe chứ không cần tham gia vào quá trình này. Theo tìm hiểu, những “cộng tác viên” không hẳn là nhân viên của ngân hàng mà được các ngân hàng trả một khoản lương và được hưởng phần trăm nhất định sau mỗi giao dịch thành công.

Có thể nói trước áp lực tăng trưởng tín dụng buộc các ngân hàng phải thay đổi tư duy kinh doanh, nhờ vậy người vay hiện nay đã có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn. Quá nhiều ngân hàng, quá nhiều vốn tồn đọng đã “xoay chuyển” nhận thức của các ngân hàng, thế nên nhiều người ví quan hệ ngân hàng – người vay hiện nay giống như “cọc đi tìm trâu” vậy…

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc