Multimedia Đọc Báo in

Thu nợ thuế - kinh nghiệm từ Chi cục Thuế huyện Cư Kuin

09:26, 05/08/2014
Trong tình hình kinh tế khó khăn, việc thu ngân sách, trong đó có thu nợ thuế gặp rất nhiều trở ngại. Trong khi hầu hết các địa phương đều không đạt chỉ tiêu thì bằng cách làm riêng của mình, Chi cục Thuế huyện Cư Kuin vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cư Kuin Lê Hồng Phú, ngay từ đầu năm 2014, đơn vị đã nhận định tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn đang ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân khách quan là do sự nhận thức về pháp luật thuế của một số DN, hộ kinh doanh cá thể chưa cao. Nhiều trường hợp cơ quan thuế đôn đốc nhắc nhở, thông báo nhiều lần nhưng vẫn cố tình nợ dây dưa. Một số DN bỏ, ngừng, tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng không khai báo với cơ quan thuế, dẫn đến treo nợ khống. Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan là tinh thần trách nhiệm cán bộ thuế ở một số đội chưa cao, chưa bám sát địa bàn để thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc người nộp thuế, công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các bộ phận liên quan chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả thu nợ còn hạn chế. Cao điểm nợ thuế là từ tháng 3-2014, tổng nợ thuế trên địa bàn huyện Cư Kuin lên đến hơn 11 tỷ đồng, tuy số tiền không lớn, nhưng với địa bàn có số thu thấp như Cư Kuin thì số nợ trên chiếm tỷ lệ khá cao. Do vậy, ngay từ tháng 3, sau hội nghị chuyên đề về thu nợ đọng thuế do Cục Thuế tỉnh tổ chức, Chi cục Thuế huyện đã tiến hành phân loại số thuế còn nợ đọng của các tổ chức và hộ kinh doanh cá thể, triển khai đồng loạt các giải pháp thu hồi nợ theo quy trình quản lý nợ hiện hành.
Cán bộ Chi cục Thuế Cư Kuin (bìa phải) tiến hành rà soát thuế tại một doanh nghiệp.
Cán bộ Chi cục Thuế Cư Kuin (bìa phải) tiến hành rà soát thuế tại một doanh nghiệp.

Chi cục đã từng bước thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra những doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thường xuyên nợ thuế kéo dài; tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế hiểu và chấp hành đúng chính sách, pháp luật về thuế, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các khoản nợ thuế đến các doanh nghiêp, hộ kinh doanh. Đặc biệt, qua rà soát, chi cục đã xác định lại những khoản thu có khả năng thu hồi để tập trung tuyên truyền, vận động, đôn đốc nộp thuế. Ngoài ra, chi cục đã ban hành 33 quyết định cưỡng chế nộp thuế theo trình tự, thủ tục quy định. Tính đến nay, bằng các biện pháp tuyên truyền và cưỡng chế thuế thông qua bên thứ ba hoặc qua ngân hàng, Chi cục Thuế Cư Kuin truy thu được 1,7 tỷ đồng. Căn cứ lộ trình giảm nợ thuế do Cục Thuế tỉnh phân công, đến hết tháng 6-2014, nợ thuế trên địa bàn huyện Cư Kuin được phép ở mức 11,050 tỷ đồng, nhưng thực tế, nợ thuế của Cư Kuin chỉ còn 9,403 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả đạt được, Chi cục Thuế Cư Kuin cũng thực hiện nhiều biện pháp thu triệt để, bảo đảm không có nợ thuế sau 90 ngày, không phát sinh nợ mới.

Ông Lê Hồng Phú chia sẻ, để có được kết quả trên, là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Với vai trò chủ công, ngành thuế triển khai tích cực các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để đưa ra những biện pháp phù hợp. Đối với những khoản nợ thuế còn lại chủ yếu rơi vào những DN, hộ kinh doanh đang chờ hoàn thuế giá trị gia tăng. Do vậy, từ nay đến cuối năm, thu nợ đọng thuế trên địa bàn huyện Cư Kuin chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.