Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm thị trường mới

09:46, 05/09/2014
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam nói chung, Dak Lak nói riêng gặp không ít khó khăn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu do một số thị trường ngoài nước đã bão hòa, giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh… Tuy nhiên, bằng sự năng động, biết nắm bắt thời cơ, nhiều DN đã chủ động tìm thị trường mới, vượt qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh.
 
Nổi lên trong đó là Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9, từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu hơn 73.657 tấn cà phê nhân, đạt giá trị hơn 147 triệu USD, tăng 114,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Cà phê của Công ty hiện đã xuất khẩu đến 50 nước và vùng lãnh thổ như: Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức... Trong đó, một số thị trường truyền thống ở lục địa châu Âu đã bão hòa, nên Công ty đã mở rộng xuất khẩu sang các nước Châu Á, chỉ tính riêng trong tháng 7 đã xuất 1.842,66 tấn cà phê nhân sang thị trường Nhật Bản, thu về hơn 4 triệu USD, Hàn Quốc 915 tấn (gần 2 triệu USD), Philippin hơn 19 tấn (tương đương 37.600 USD)…  Ông Lê Thanh Sơn, Phó trưởng phòng xuất nhập khẩu - thị trường của Công ty cho biết, năm 2013 thị trường Trung Quốc chiếm 5% sản lượng hàng xuất khẩu của đơn vị, nhưng đang có xu hướng giảm xuống, còn khoảng 2-3% trong năm nay. Sở dĩ thị trường này giảm sút, có tỷ trọng hàng xuất khẩu thấp và đang giảm sút mạnh là do giá trị xuất khẩu đến nước này không cao, nhu cầu sử dụng cà phê của người dân không lớn... Tương tự, để tiếp cận thị trường thế giới, Công ty cà phê An Thái đã phân chia thị trường thành 4 khu vực: nước phát triển (Anh, Pháp, Đức, Mỹ); châu Á (vùng tiềm năng); Trung Đông; khối các nước Đông Âu. Hiện nay, châu Á là thị trường chính, chiếm khoảng 80% sản lượng cà phê xuất khẩu. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, bình quân mỗi năm, Công ty xuất hơn 4.000 tấn cà phê hòa tan ra thị trường thế giới, mỗi khách hàng  có một gu thưởng thức cà phê khác nhau nên việc chia nhỏ thị trường giúp đơn vị phục vụ khách hàng của mình tốt hơn. Bên cạnh giữ vững thị trường châu Á, Công ty còn hướng tới thị trường Đông Âu tiềm năng, đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm sang các nước phát triển.
Công nhân làm việc tại nhà xưởng Công ty Cổ phần may  Dak Lak.
Công nhân làm việc tại nhà xưởng Công ty Cổ phần may Dak Lak.

Còn với Công ty Cổ phần may Dak Lak, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng độc quyền của nhà phân phối nước ngoài, nên Công ty luôn đặt lên hàng đầu vấn đề uy tín và chất lượng. Theo đó, Công ty không chỉ mở rộng diện tích nhà xưởng, trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, mà còn luôn bảo đảm giao hàng đúng tiến độ. Nhờ vậy, tuy chỉ duy nhất một mối hàng, nhưng các đơn đặt hàng luôn tăng lên liên tục, năm 2007 chỉ có 900 sản phẩm nhưng đến năm 2014 là 2,8 triệu sản phẩm. Hiện tại đơn vị đã nhận đơn đặt hàng 4 triệu sản phẩm cho năm 2015, dự kiến, trong năm tới sẽ xây mới xưởng sản xuất rộng 2.500 m2, nâng số lượng nhà xưởng lên 6.300 m2, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 410 triệu USD, bằng 54,67% kế hoạch. Xuất khẩu ra thị trường thế giới tuy có phần khó khăn, nhưng nhờ việc bãi bỏ thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng nông sản, cùng với nền kinh tế thế giới và Việt Nam có dấu hiệu phục hồi nên giá trị xuất khẩu tăng hơn 10,73% so với cùng kỳ năm 2013.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc