Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu từ nuôi bò sinh sản

19:43, 07/09/2014
Năm 2000, gia đình ông Lục Văn Lĩnh (dân tộc Nùng) từ quê hương Bảo Lạc (Cao Bằng) vào lập nghiệp tại xã Cư Kbang (huyện Ea Súp). Thời gian đầu, cuộc sống của gia đình ông Lĩnh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Năm 2002,  được Nhà nước cho vay vốn cộng với số tiền tích lũy của gia đình, ông mua một con bò giống về nuôi với mục đích gây đàn. Sau một thời gian chăm sóc thì bò giống của gia đình ông bắt đầu sinh sản, ông Lĩnh quyết định thực hiện theo phương cách “bê cái để nuôi nhằm tăng đàn, bê đực bán lấy tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và tiếp tục đầu tư”. Nhờ vậy, đàn bò của gia đình ông ngày càng được nhân lên, đến nay số lượng bò đã lên đến hơn 50 con, chủ yếu là giống bò cỏ của địa phương. Ông còn chọn lựa, loại bỏ những con bò già, sinh sản kém để bảo đảm chất lượng tốt nhất cho đàn bò. Mỗi năm gia đình ông Lĩnh bán ra 7 - 8 con bò, với giá bình quân 10 -12 triệu đồng/con. Ngoài việc nuôi bò sinh sản, hiện tại mỗi năm gia đình ông còn trồng hơn 3 ha sắn để tăng thêm thu nhập. Từ việc nuôi bò sinh sản và trồng sắn, mỗi năm gia đình ông Lĩnh có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Ngoài ra hằng năm ông còn tận dụng được hàng chục tấn phân bò để bón cho hoa màu, sử dụng không hết thì bán cho các thương lái. Ông Lĩnh chia sẻ: Nuôi bò sinh sản đơn giản, ít rủi ro. Nếu chăm sóc tốt 1 con bò đang trong chu kỳ sinh sản, trung bình hơn 4 năm đã cho 5 con bê. Đặc biệt, nuôi bò lấy công làm lãi nên không tốn kém nhiều về kinh tế, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần. Để phòng chống bệnh dịch cho bò, người nuôi cần chú ý tiêm vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng vào mùa mưa.

Nhờ chịu khó, dám nghĩ dám làm, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, hiệu quả mà đến nay gia đình ông Lục Văn Lĩnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông được Hội Nông dân xã Cư Kbang nêu gương là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.

Đức Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.