Multimedia Đọc Báo in

Lũ về sớm, nông dân huyện Lak gần như... trắng tay!

09:56, 08/09/2014

Năm nay lũ về sớm hơn mọi năm khiến hàng nghìn héc-ta lúa ở huyện Lak bị ngập sâu trong nước và hầu hết đều bị mất trắng. Nỗi nhọc nhằn của một vụ mùa thất thu lại đè nặng lên đôi vai bà con nông dân…

Trong những ngày này, hầu hết các cánh đồng bị ngập lụt ở các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Dak Liêng và thị trấn Liên Sơn của huyện Lak nước đã rút dần, bà con đang tập trung thu hoạch diện tích lúa bị ngập nhằm vớt vát chút “tài sản” còn lại. Chị Phạm Thị Thúy, thôn Hưng Giang (xã Buôn Tría) cho hay, gia đình có 1,7 ha nhưng có đến 1,5 ha bị ngập sâu, năng suất chỉ còn 2 tạ/sào, trong khi mọi năm đạt 7,5-8 tạ/sào. Sau khi nước rút, lúa bị gãy đổ hết, máy không thể gặt được nên phải thuê công gặt, bình quân 1 ngày phải mất đến 4 triệu đồng tiền công, đó là chưa tính công phơi và tuốt hạt. Hiện tại chị đã thuê công cắt 2 ngày rồi mà vẫn chưa xong. Lúa bị ngập gặt về thương lái chỉ trả 3.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với bình thường. Chị mong muốn Nhà nước sớm hỗ trợ cho bà con để bù vào tiền đầu tư, tái sản xuất vụ đồng xuân tới, đồng thời khoanh nợ cho một số hộ vay vốn sản xuất. Còn hộ anh Bùi Khắc Tiếp có 2 ha nhưng bị ngập đến 1,8 ha, trong đó mất trắng 1,5 ha. Nhìn những ôm lúa đem về phơi lấm lem bùn đất, anh Tiếp xót xa nói: “Nếu như lũ không về bất thường, thì gia đình tôi đã có khoảng 14 -15 tấn lúa trong nhà, còn bây giờ lúa này chỉ đem về phục vụ cho chăn nuôi chứ không thể ăn hoặc bán được, vì bị ngâm trong nước lâu ngày nên đã hư hết rồi”. May mắn hơn các hộ trên, gia đình anh Nguyễn Trọng Đạo có 1 ha bị ngập, nhưng lúa không bị đổ nên thuê máy gặt nhanh hơn và mức độ tổn thất sau thu hoạch cũng ít hơn so với gặt bằng tay. Tuy nhiên, năng suất cũng chỉ đạt 2 tạ/sào, giảm hơn một nửa so với lúc bình thường, trong khi tiền thuê máy gặt hết 2,5 triệu đồng/ha, tính ra vụ này gia đình anh lỗ mất 1/3. Anh mong Nhà nước quan tâm xây dựng đê bao để khi mưa lũ có về sớm, nước không tràn vào ruộng gây thiệt hại mùa màng, đồng thời mở rộng mương tiêu thoát nước để chống ngập úng.

Theo anh Nguyễn Trung Hoàn, Trưởng thôn Hưng Giang, bình thường mọi năm thì thường đến tháng 8 âm lịch lũ mới về, lúc đó bà con đã thu hoạch xong và chuẩn bị cho vụ mới, năm nay lũ về bất thường hơn dự kiến nên bà con không chủ động phòng tránh được, cả thôn có 60 ha lúa nước, nhưng có đến 55 ha bị ngập, trong đó mất trắng 40 ha và 15 ha giảm năng suất khoảng 30%. Không chỉ có thôn Hưng Giang bị thiệt hại nặng, mà các thôn Tân Giang, Liên Kết 1, 2, 3… của Buôn Tría cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Bà con rất mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống, kinh phí kịp thời giúp bà con khắc phục thiệt hại, tái sản xuất trong vụ tới.

Thửa ruộng gia đình chị Phạm Thị Thúy, thôn Hưng Giang (xã Buôn Tría)  lúa bị gãy đổ phải thuê người gặt vì không gặt máy được.
Thửa ruộng gia đình chị Phạm Thị Thúy, thôn Hưng Giang (xã Buôn Tría) lúa bị gãy đổ phải thuê người gặt vì không gặt máy được.

Theo Phòng NN-PTNT huyện, vào tháng 6, 7 vừa qua, trên địa bàn Dak Lak có mưa to, nước đầu nguồn từ các con suối Dak Liêng, Dak Phơi và sông Krông Na tràn về đã gây ngập lụt trên 1.742 ha lúa vụ hè thu đang giai đoạn làm đòng và trổ bông, trong đó có trên 1.533 ha bị mất trắng, còn lại bị giảm năng suất từ 30% đến trên 70%. Xã bị thiệt hại nặng nhất là Buôn Triết, với 1.150 ha bị ngập và mất trắng toàn bộ, nhiều nơi nước ngập sâu đến nay vẫn chưa rút hết, bà con đành bỏ không gặt vì lúa đã thối hạt. Trước tình hình trên, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với các xã tổ chức đoàn kiểm tra đánh giá lại diện tích bị thiệt hại, đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại để khôi phục sản xuất.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa, lũ bất thường liên tục xảy ra, địa phương cũng cần quan tâm đến việc nạo vét lại hệ thống thủy lợi, nhất là hệ thống kênh tiêu nối từ xã Dak Liêng đến Buôn Triết hiện đã bị bồi lắng, thoát nước không kịp mỗi khi có lũ về. Đặc biệt, việc xây dựng một số đoạn đê bao để hạn chế thiệt hại do lũ đầu mùa gây ra cũng cần được tính đến vì lợi ích lâu dài cho vùng sản xuất lúa trọng điểm của huyện Lak cũng như của tỉnh.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.