Nan giải "bài toán" vốn Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột
Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột được xem là một trong những công trình trọng điểm có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị thành phố; đồng thời góp phần “nâng tầm” Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo dự toán quy mô của dự án thì vấn đề nan giải đặt ra trước mắt chính là “bài toán” về vốn để đầu tư xây dựng con đường này.
Việc đầu tư xây dựng đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột có ý nghĩa thiết thực trong việc hoàn thiện hệ thống mạng lưới giao thông đô thị thành phố. Đây sẽ là đường chính trung tâm khu đô thị mới phía đông nam thành phố và nối thẳng trung tâm thành phố với Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần phát triển các quy hoạch dọc hai bên đường như: quy hoạch khu đô thị mới đồi Thủy Văn, Quy hoạch hồ Ea Tam… Con đường sẽ là “điểm nhấn”, là “xương sống” để từ đó dần hình thành khu đô thị mới của thành phố về hướng đông nam cũng như thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp và các ngành nghề khác, khai thác tốt tiềm năng đất đai vùng dự án. Tuyến đường hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng…
Mục tiêu của dự án là vậy, nhưng lấy đâu ra vốn đầu tư lại đang là vấn đề nan giải. Theo UBND tỉnh thì hiện nay nguồn ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất khó khăn, các dự án có quy mô lớn sẽ khó khả thi để triển khai thực hiện. Trong khi đó, theo Nghị quyết 12/2011/QH13 của Quốc hội, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2011-2015 sẽ không bổ sung mới các danh mục dự án nên rất khó đề xuất với Trung ương bố trí vốn cho dự án này. Đối với nguồn vốn đầu tư theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND ngày 30-1-2007 của UBND tỉnh quy định cơ chế đầu tư theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh quy định thời gian bố trí ngân sách tỉnh thanh toán là 3 năm kể từ khi công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng cũng khó khả thi để áp dụng thực hiện cho dự án này vì thời gian trả nợ quá ngắn.
Dự án đường Đông Tây sẽ nối liền Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột với Trung tâm thành phố. Ảnh: Hoàng Gia |
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột thì phương án khả thi nhất cho “bài toán” vốn đầu tư công trình này chính là kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính ứng trước vốn để thực hiện đầu tư theo hình thức BT. Địa phương sẽ trả dần cho nhà đầu tư trong thời gian từ 10-15 năm với lãi suất thấp (khoảng nhỏ hơn hoặc bằng 5%/năm). Và nguồn để trả dần cho nhà đầu tư chính là khai thác quỹ đất từ các khu đô thị mới đã và đang được quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Cơ sở để UBND TP. Buôn Ma Thuột tự tin “xoay” được vốn cho công trình chính là các khu đất quy hoạch đã và đang được phê duyệt trên địa bàn. Cụ thể, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị mới đồi Thủy Văn đã được phê duyệt với diện tích quy hoạch 466,44 ha, trong đó có gần 93 ha là diện tích đất ở, trên 8 ha đất thương mại dịch vụ. Phân khu phía nam đường Đông Tây đang được quy hoạch với diện tích quy hoạch 142 ha, trong đó đất dành cho nhà ở liên thương mại liên kế là 28,4 ha; nhà biệt thự, nhà vườn trên 17 ha; đất bố trí cho doanh nghiệp có nhu cầu thuê đầu tư là trên 17 ha. Phân khu đô thị Tây Nam dọc theo hai bên đường vành đai phía tây TP.Buôn Ma Thuột đang được quy hoạch với diện tích 120,6 ha, trong đó đất dành cho nhà ở liên thương mại liên kế là 24,12 ha; đất dành cho nhà biệt thự, nhà vườn là 14,47 ha và đất bố trí cho doanh nghiệp thuê đầu tư là 14,47 ha. Ngoài ra phân khu phía bắc đường xa lộ Đông Tây cũng đang được quy hoạch với diện tích 188 ha, trong đó quỹ đất dành cho nhà ở liên thương mại liên kế là 37,6 ha, đất dành cho biệt thự, nhà vườn là 22,56 ha và đất bố trí cho doanh nghiệp thuê là 22,56 ha.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, nếu phương án tạo vốn từ quỹ đất được cấp có thẩm quyền cho phép thì đây chính là giải pháp khả thi nhất để thực hiện dự án đường Đông Tây theo đúng kế hoạch. Bởi trên cơ sở tính toán phương án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và bán đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất tại các khu quy hoạch nêu trên sẽ thu được lợi nhuận cao, tạo được nguồn thu cho địa phương. Theo tính toán sơ bộ, dự toán chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với 4 dự án trên dự kiến hết tổng cộng hơn 8.134 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu từ việc bán đấu giá đất và cho thuê đất tại 4 khu quy hoạch này sẽ đạt ở mức khoảng hơn 11 tỷ đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận thu được khi triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành đối với 4 dự án này sẽ ở khoảng hơn 3.702 tỷ đồng. Sau khi trích nộp các khoản theo quy định thì ngân sách tạo vốn từ quỹ đất của 4 dự án nói trên còn lại khoảng trên 1.813 tỷ đồng. Số tiền này chắc chắn đủ để trả cho nhà đầu tư trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2027.
Ông Nguyễn Anh Dũng cũng cho hay, hiện tại đang có một số nhà đầu tư tỏ ra quan tâm đến dự án này. Nếu phương án tạo vốn cho dự án từ quỹ đất được chấp thuận thì tin chắc rằng Dự án đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột sẽ sớm được xúc tiến hoàn thành đúng kế hoạch trong giai đoạn 2013-2018 đã đề ra.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc