Multimedia Đọc Báo in

Nhiều nông dân ở Krông Năng quay lưng với "vàng trắng"

10:54, 16/09/2014
Những năm trước đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Krông Năng nhận thấy cao su được giá đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng mà phá bỏ cà phê, chạy vạy khắp nơi vay vốn mua giống về trồng.
 
Sau gần 8 năm đầu tư, tốn biết bao công sức, tiền của, cao su bắt đầu cho thu hoạch thì cũng là lúc người nông dân nếm “trái đắng” khi mủ cao su rớt giá “thê thảm”. Nhiều hộ “dở khóc, dở cười” bởi cây cao su đã bước vào thời kỳ kinh doanh cho mủ mà không dám cạo vì “thu chẳng đủ bù chi”. Điệp khúc trồng - chặt như “vòng kim cô” luẩn quẩn khiến người dân lao đao, quay lưng với loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” này.

Chị Biên Thị Thúy, ở thôn Tam Phong, xã Ea Tam có 1 ha cao su trồng từ năm 2007 than thở: “Gia đình tôi di dân tự do từ ngoài Bắc vào đây lập nghiệp, làm lụng vất vả mấy năm mới tích góp được ít vốn. Trước đây trên 1 ha đất, gia đình tôi chủ yếu trồng cây hoa màu. Thấy người dân trong vùng bảo trồng cao su được giá mau đổi đời, tôi và nhiều hộ dân xung quanh cũng đổ xô trồng cao su. Từ khi xuống giống đến khi cho thu hoạch gia đình tôi đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng đầu tư chăm sóc. Vậy mà đến nay mới chỉ thu về từ tiền bán mủ được 1 triệu đồng. Giờ gia đình tôi lại trở về tay trắng”. Theo tính toán của chị Thúy nếu vườn cao su có chất lượng tốt, vào mùa thu hoạch, một héc-ta cao su mỗi ngày cũng thu được gần 90 kg mủ tươi, với giá cao su 50.000 đồng/kg như các năm 2011, 2012 thì mỗi ngày mang về cho gia đình từ 4-4,5 triệu đồng tiền bán mủ và như vậy gia đình chị sẽ nhanh chóng thu lại vốn và có tiền trả nợ. Tuy nhiên trong tình trạng giá mủ chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg như hiện nay, không thể trông chờ vào cây cao su, gia đình chị phải ngậm ngùi trong cảnh đào hố trồng cà phê, xen ngô “lấy ngắn nuôi dài” để vượt qua khó khăn trước mắt.

Vườn cao su người dân vừa chặt bỏ chuyển sang trồng cà phê.
Vườn cao su người dân vừa chặt bỏ chuyển sang trồng cà phê.

Có trong tay hơn 10 ha cao su trồng xen cà phê chè, trước đây một ngày cạo mủ cũng mang lại cho gia đình ông Hoàng Văn Hiến, thôn Tam Thịnh mấy chục triệu đồng; để bảo vệ vườn hằng đêm gia đình ông phải thuê người đi canh vì sợ bị trộm mủ. Vậy mà từ khi cao su rớt giá, gia đình ông chẳng buồn ngó ngàng tới việc thu hoạch mủ. Bởi theo ông, nếu thu hoạch nhưng với giá bán hiện nay thì khoản thu không đủ tiền trả công cho người làm. Trước tình trạng này gia đình ông chuyển sang tập trung chăm bón cho 10 ha cà phê chè để bù vào khoản tiền đã đầu tư phân bón cho diện tích cao su. Ông Hiến tâm sự: “Với cái đà cao su rớt giá thế này, sang năm tôi sẽ chặt bỏ để chuyển qua trồng cà phê vối và tiêu cho chắc ăn. Trung bình chi phí trồng 1 ha cao su từ khâu san ủi chuẩn bị đất, mua cây giống, thuê người trồng cho đến chi phí xăng dầu, nước tưới, phân bón… đến khi thu mủ là phải đầu tư khoảng hơn 120 triệu đồng. Mấy năm đầu khi cây cao su còn nhỏ thì chi phí đầu tư cho phân bón thấp nhưng khi cây bắt đầu chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch phải dồn sức bón thúc cho cây để cạo mủ, thời gian này thường kéo dài khoảng 3 năm. Tùy theo giá phân cao hay thấp mà mỗi héc-ta cao su có mức đầu tư từ 25-30 triệu đồng/ha. Nếu người dân mua trúng cao su giống chất lượng tốt thì còn có lợi chứ mua trúng giống “cao su điếc” (cao su cho mủ ít hoặc không có mủ) thì coi như tiền của đầu tư gần chục năm trời mất trắng…”.

Trường hợp của anh Vũ Đức Thuấn, thôn Tam Phương, xã Ea Tam cũng đang lao đao về giống cây được mệnh danh “vàng trắng” này. Mua phải giống cao su chất lượng kém nên sau khi trồng, chăm sóc đến mùa thu hoạch không cho mủ anh Thuấn đã phải nhổ bỏ 0,9 ha cao su để trồng lại cà phê. Anh Thuấn cho biết: “Trước đây với 0,9 ha đất, gia đình tôi trồng hoa màu, cây ngắn ngày, mỗi năm cho thu nhập 20-30 triệu đồng. Gần chục năm nay trồng cao su, những tưởng sẽ cho thu nhập khá ai ngờ lại ra thế này…”.

Hiện trên địa bàn huyện Krông Năng có 343,7 ha cao su tiểu điền được trồng ở các xã: Ea Dah, Tam Giang, Ea Puk, Ea Tam, Dliê Ya. Trước tình trạng mủ cao su rớt giá, đã có 11 hộ tiến hành rong cành cao su chuyển sang trồng cà phê với diện tích 7,2 ha; 1 hộ phá bỏ toàn bộ diện tích 0,9 ha cao su chuyển sang trồng cà phê. Ông Lê Rế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng cho biết: Huyện đã gửi công văn đến UBND các xã tuyên truyền sâu rộng tới người dân không nên tự chặt phá, rong tỉa cành cây cao su để trồng các cây khác mà chủ động ngưng khai thác, chăm sóc cẩn thận để chờ được giá. Đặc biệt huyện khuyến cáo người dân tuyệt đối không được trồng xen hồ tiêu vào vườn cao su hoặc lấy cao su làm trụ tiêu vì như vậy cây tiêu rất dễ bị nhiệm bệnh nấm Phytoptora gây hại. Bên cạnh đó, việc người dân rong tỉa cành cao su không đúng cách sẽ làm cho cây dễ bị nhiễm bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mủ sau này...

Nguyễn Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc