Multimedia Đọc Báo in

Tập trung phát triển và bảo vệ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột

10:25, 26/09/2014

Sau khi thắng kiện và đòi lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột từ một doanh nghiệp tại Quảng Châu (Trung Quốc), Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” ra nước ngoài. Đây là hướng đi quan trọng để bảo vệ và phát triển thương hiệu cà phê của Dak Lak trên thị trường thế giới.

Phát triển và bảo vệ thương hiệu

Vùng địa danh Buôn Ma Thuột từ lâu gắn liền với sản phẩm cà phê robusta, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot coffee” đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ dưới hình thức tên gọi xuất xứ hàng hóa (nay là Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột) vào tháng 10-2005. Hiện nay, Dak Lak có trên 202.000 ha cà phê, với sản lượng mỗi năm đạt từ 400.000 tấn nhân trở lên. Sản phẩm cà phê nhân của Dak Lak đã xuất sang trên 60 nước và vùng lãnh thổ khắp các châu lục, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD, lượng cà phê nhân xuất khẩu vẫn ổn định xoay quanh số lượng 300.000 tấn. Cà phê mang thương hiệu Buôn Ma Thuột được cấp quyền sử dụng với mức đăng ký trên 46.600 tấn/năm, và đã có Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak xuất khẩu lô hàng gần 8.000 tấn cà phê nhân mang Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Buôn Ma Thuột (năm 2014). Thời gian qua, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tập trung cho hoạt động thông tin, quảng bá về sản phẩm cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột bằng nhiều hình thức như xây dựng trang thông tin điện tử, panô, biên soạn và phát hành hàng nghìn tờ rơi giới thiệu về CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột, tham gia nhiều lễ hội, hội chợ trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 27 (năm 2014), cà phê Buôn Ma Thuột được công nhận vào top 50 đặc sản quà tặng Việt Nam và cũng được Tổ chức Kỷ lục Châu Á đưa vào top 100 đặc sản quà tặng nổi tiếng Châu Á. Song song với việc phát triển thương hiệu, Hiệp hội cũng đã có những hoạt động tích cực trong bảo vệ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” mà sự kiện hủy bỏ thành công nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” do một công ty nước ngoài chiếm dụng là một minh chứng. Cụ thể, năm 2011, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đăng ký độc quyền. Được UBND tỉnh ủy quyền, Hiệp hội đã cung cấp cho Văn phòng luật sư Phạm và Liên doanh tất cả các chứng cứ cần thiết và ủy quyền cho văn phòng luật sư này đứng ra nộp đơn khiếu kiện sang phía Trung Quốc thông qua một văn phòng luật sư phía của Trung Quốc.

Sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột tham dự triển lãm  tại Hội chợ công nghệ, thiết bị ở Dak Nông.
Sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột tham dự triển lãm tại Hội chợ công nghệ, thiết bị ở Dak Nông.

Sau gần 2 năm theo đuổi vụ kiện, ngày 16-1-2014, Phòng xét xử và xem xét lại nhãn hiệu của Trung Quốc ra phán quyết hủy bỏ 2 đăng ký nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” ở Trung Quốc của Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd. Đến nay, phán quyết của họ đã có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Theo ông Trịnh Đức Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, đây là lần đầu tiên Hiệp hội gặp phải vụ việc thương hiệu hàng hóa nổi tiếng của địa phương bị một doanh nghiệp khác chiếm dụng ở nước ngoài. Mặc dù, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khiếu kiện, nhưng cuối cùng chúng ta cũng đã thắng kiện, kết quả này cũng là bài học kinh nghiệm cho tất cả doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào thị trường quốc tế, đó là không được chậm trễ trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ tại những thị trường quan trọng và tiềm năng.

Bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài

Song song với việc bảo vệ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee”, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tiến hành những bước đăng ký bảo hộ CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột tại nước ngoài. Hiệp hội đã phối hợp với văn phòng luật sư Phạm và Liên danh nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, tên gọi xuất xứ hàng hóa, CDĐL “Buon Ma Thuot Coffee” tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ - là những thị trường nhập khẩu chính cà phê Buôn Ma Thuột, dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia. Cụ thể, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo hệ thống Madrid với các nước thành viên là Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Vương Quốc Anh, Italy, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Benelux (Bỉ, Luxembua, Hà Lan); nhãn hiệu chứng nhận tại Canada; tên gọi xuất xứ hàng hóa tại Nga; CDĐL tại Thái Lan. Đến nay, đã có 3 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee”, gồm: Đức, Tây Ban Nha, vùng lãnh thổ Benelux. Hiệp hội cũng đang theo đuổi nộp đơn phản đối thư tạm thời từ chối bảo hộ ở các nước Canada, Trung Quốc, Nga, Singapore và đang chờ xử lý đơn ở các nước Pháp, Italy, Thái Lan. Riêng các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Thụy Sĩ từ chối bảo hộ với lý do nhãn hiệu đăng ký gây nhầm lẫn với nhãn hiệu tương tự đã được bảo hộ trước đó tại các quốc gia này hoặc nhãn hiệu không có khả năng phân biệt cà phê thuộc nhóm 30 (các loại nông sản và sản phẩm được chế biến từ nông sản) nên không được bảo hộ. Đặc biệt, qua việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, Hiệp hội phát hiện thêm thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã bị một số doanh nghiệp ở Mỹ và Canada đăng ký bảo hộ cách đây cả chục năm, do vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” ra nước ngoài để tránh bị chiếm dụng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của Hiệp hội trong thời gian qua đó là thiếu kinh nghiệm cũng như những hiểu biết pháp lý trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài; thiếu kinh phí và sự hỗ trợ của các cấp, ngành…

Khách hàng tham quan gian hàng của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Khách hàng tham quan gian hàng của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tại một hội chợ

Mong rằng, thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp cần hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực cho việc bảo hộ và phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột để Hiệp hội đủ sức tiến hành công việc pháp lý tương đối phức tạp và kéo dài này nhằm bảo vệ  lợi ích lâu dài và tài sản trí tuệ của địa phương, doanh nghiệp.

 Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.