Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng: Vướng ở đâu?

19:42, 07/09/2014

Sau 3 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Dak Lak đã đạt nhiều kết quả tốt, giúp người dân vùng có rừng tăng thêm thu nhập và nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vướng mắc…

Từ kết quả bước đầu

Dak Lak có tổng diện tích rừng trên 633 nghìn héc-ta, trong đó rừng có cung ứng DVMTR trong lưu vực các nhà máy thủy điện là 233.757  ha. Năm 2013, diện tích rừng cung ứng được nghiệm thu, thanh quyết toán trên 222 nghìn héc-ta, trong đó có 22 chủ rừng là các tổ chức, với diện tích trên 205 nghìn héc-ta; 33 chủ rừng là cộng đồng, thôn buôn, trên 7.765 ha; 6 tổ chức không phải là chủ rừng (UBND xã) trên 9.181 ha thuộc diện rừng quản lý tập trung. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã thực sự đem lại hiệu quả cả về môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội. Trong đó, rõ nhất là ở những khu vực có người dân hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR; tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn, môi trường rừng từng bước được bảo vệ, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết nước của rừng trên địa bàn. Mặt khác, chính sách này còn huy động được một phần nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên; góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như diện tích rừng giao cho cộng đồng, thôn buôn quản lý, mức thu nhập của người dân rất thấp, chỉ đạt 600  nghìn – 1 triệu đồng/năm/hộ, thì những hộ và nhóm hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo chính sách chi trả DVMTR có mức thu nhập cao hơn nhiều, bình quân từ 3 triệu – 3,5 triệu đồng/hộ/năm. Anh Nguyễn Văn Hải, thôn 6, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông cho biết, hiện anh đang ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin trên diện tích 30 ha, mức giá chi trả DVMTR là 138.600 đồng/ha, tương đương 3,7 triệu/năm. Hàng tháng, các cán bộ kiểm lâm của Vườn hướng dẫn các chủ rừng đi tuần tra, kiểm soát rừng, và hàng năm Vườn nghiệm thu công tác bảo vệ rừng của người nhận khoán, trả tiền công theo định kỳ 6 tháng một lần. Tuy số tiền chi trả còn thấp, nhưng cũng đã góp phần hỗ trợ chi phí cho chủ rừng có thêm khoản tiền đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của gia đình.

Các nhà máy thủy điện là một trong những đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các nhà máy thủy điện là một trong những đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Đến nay Dak Lak đã cơ bản hoàn thành ký kết hợp đồng ủy thác với 21/22 nhà máy thủy điện, số tiền thu được trong 3 năm (2012 - 2014) hơn 93,5 tỷ đồng, đã chi trả DVMTR hơn 61,5 tỷ đồng. Dù vẫn còn thấp so với mức bình quân của các tỉnh trong khu vực, nhưng đây có thể xem là nguồn thu gia tăng cho công tác bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương, giải quyết được một số khó khăn cho các chủ rừng là các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp trong vấn đề chi trả lương cho cán bộ; các ban quản lý rừng, vườn quốc gia có nguồn tiền để tăng cường công tác tuần tra, truy quét lâm tặc…, giảm thiểu tác động xấu của người dân, cộng đồng đối với rừng.

Đến... vướng mắc nhiều phía

Thực tế cho thấy, việc thực hiện chi trả DVMTR còn gặp rất nhiều khó khăn. Qua kết quả kiểm tra công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng năm 2013 cho thấy: các đơn vị quản lý rừng chưa quan tâm đến người dân sống gần rừng, mới giao khoán trên 100 nghìn ha, chiếm tỷ lệ 45% diện tích rừng đang quản lý; mức chi trả DVMTR bình quân hàng năm cũng quá thấp, khoảng 150.000 đồng/ha, thấp hơn so với các tỉnh Tây Nguyên (mức chi trả DVMTR bình quân ở Kon Tum là 362.000 đồng/ha, Lâm Đồng là 350.000 đồng/ha, Gia Lai từ 200 nghìn - 260 nghìn đồng/ha tùy theo lưu vực). Đây là khó khăn lớn khi triển khai thực hiện chính sách, vì mức chi trả thấp sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người làm nghề quản lý bảo vệ rừng trong vùng, chưa kể việc chi trả DVMTR của các nhà máy thủy điện cũng chậm và thấp. Mặc dù Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã có nhiều biện pháp như: mời các nhà máy thủy điện làm việc về vấn đề chi trả DVMTR, thông báo số tiền phải chi trả, thậm chí đến tận các nhà máy để làm việc…, nhưng đến nay, các nhà máy thủy điện trong lưu vực nội tỉnh và lưu vực chung chưa chi trả hết số tiền của các năm. Cụ thể, theo kế hoạch thu của 3 năm (2012 - 2014) là trên 127 tỷ đồng, nhưng thực tế mới thu được trên 93,5 tỷ đồng, chủ yếu là thu nợ của các năm trướ. Theo đó như năm 2013 thu được gần 18 tỷ đồng (kế hoạch là gần 43 tỷ đồng), trong đó thu nợ của năm 2012 trên 12,7 tỷ đồng, hay năm 2014, đã thu được trên 34,1 tỷ đồng, nhưng trong đó thu nợ năm 2013 là 32 tỷ đồng…, đó là chưa kể vẫn còn 1 nhà máy thủy điện chưa chịu ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR. Ngoài ra, việc giải ngân nguồn tiền DVMTR còn chậm, nguyên nhân là do nhiều diện tích rừng quá nhỏ, hoặc không nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, hoặc chồng lấn, lấn chiếm với các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng… nên chủ rừng không xây dựng hồ sơ chi trả DVMTR; nhiều chủ rừng chưa quan tâm đến công tác xây dựng hồ sơ, chậm lập kế hoạch chi trả…

Cần thực hiện tốt  chính sách chi trả DVMTR  để hạn chế những  tác động xấu của  người dân, cộng đồng đến rừng. Trong ảnh: Phá rừng làm rẫy ở huyện Ea Súp.
Cần thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR để hạn chế những tác động xấu của người dân, cộng đồng đến rừng. Trong ảnh: Phá rừng làm rẫy ở huyện Ea Súp.

Theo bà Đinh Thị Hồng Phượng, Quỹ bảo vệ phát triển rừng Việt Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chi trả DVMTR tại địa phương còn bị vướng về chính sách. Đó là đối với diện tích rừng chưa giao khoán, số tiền này coi là nguồn thu của chủ rừng, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý sử dụng khoản tiền này; một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc nộp tiền chi trả DVMTR nhưng Nhà nước chưa có chế tài xử lý. Bên cạnh đó, việc chênh lệch đơn giá giữa các lưu vực cũng là vấn đề khó khăn trong công tác tuyên truyền, nhất là với đối tượng người dân tộc thiểu số. Bà Phượng cho rằng, để thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, trước mắt các bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ; cần đẩy mạnh việc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; có biện pháp mạnh đối với các nhà máy thủy điện không ký kết hợp đồng ủy thác, không nộp tiền DVMTR... Có như vậy, việc triển khai thực hiện chi trả DVMTR mới đạt hiệu quả như mong muốn.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.