TP. Buôn Ma Thuột: Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để phát triển
Những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có những bước phát triển đáng kể, làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, kết nối giao thương giữa địa phương với các tỉnh lân cận.
TP. Buôn Ma Thuột được coi là trung tâm thương mại, đầu mối cung cấp hàng hóa cho các địa phương trong tỉnh. Xác định lấy thương mại dịch vụ là mũi nhọn để phát triển, những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây mới hệ thống chợ, chú trọng kiểm tra, kiểm soát thị trường, giữ vững an ninh trật tự… tạo điều kiện để các hộ dân phát triển buôn bán. Nhờ vậy mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn không ngừng được nâng lên qua các năm: năm 2010 tổng doanh thu ở lĩnh vực này chỉ đạt trên 10, 6 tỷ đồng, năm 2011 gần 13,5 tỷ đồng, năm 2012 hơn 15,7 tỷ đồng, năm 2013 đã lên trên 18,3 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012, với trên 9.500 hộ kinh doanh, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,2 triệu đồng/ người/ năm.
Trên địa bàn thành phố hiện có 26 chợ, 6 siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó có 2 chợ hạng I, 3 chợ hạng II và 16 chợ hạng III. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đô thị thì hệ thống chợ cũng được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hiện đại, sạch sẽ hơn, góp phần tăng khả năng luân chuyển hàng hóa trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, đã có 7 chợ trên địa bàn được đầu tư cải tạo, xây dựng mới, với tổng kinh phí trên 500 tỷ đồng, điển hình như các chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, Tân Hòa, Tân Phong... Đặc biệt, từ khi chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột được đầu tư theo hướng hiện đại, quầy sạp và các lối đi trong chợ được bố trí hợp lý, khoa học đã phát huy hiệu quả thấy rõ. Đây được coi là điểm nhấn trong phát triển thương mại, dịch vụ của thành phố, là đầu mối phân phối hàng hóa cho các huyện trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương bán quần áo tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, từ khi chợ đi vào hoạt động, nhờ quầy sạp được bố trí hợp lý, các lối đi thuận tiện nên khách vào ra tham quan mua sắm đã thật sự thoải mái, đông đúc; theo đó, chị đã mạnh dạn đầu tư vốn, nhập thêm lượng hàng hóa phong phú về bày bán.
Đường Lê Hồng Phong - một trong các tuyến đường trung tâm của thành phố có các hoạt động thương mại phát triển. |
Bên cạnh các chợ truyền thống thì các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Vinatex, Co.opMart Buôn Ma Thuột… nối tiếp nhau ra đời đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và tạo nên diện mạo mới cho TP. Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, các kênh phân phối hiện đại hoạt động khá sôi động, với số lượng hàng hóa đa dạng, tỷ lệ hàng Việt trưng bày chiếm tỷ trọng lớn, trên 90% và việc tiêu thụ hàng Việt tại các siêu thị này khá thuận lợi, nhiều thương hiệu đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng với đó, các hoạt động dịch vụ khác như bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông, khách sạn nhà hàng, từ các dịch vụ vật tư nông nghiệp, sửa chữa xe máy, điện tử - điện lạnh, đến các dịch vụ vui chơi, giải trí … cũng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân. Ông Bùi Quang Hòa - Phó Giám đốc Co.opMart Buôn Ma Thuột cho hay, những năm gần đây, người tiêu dùng có xu hướng đi siêu thị ngày càng nhiều, và đơn vị đã nhận được sự tin tưởng ở khách hàng với số lượt người đến mua sắm ngày một đông. Thời gian tới, siêu thị sẽ tăng cường các dịch vụ tiện ích như bố trí đội ngũ nhân viên hỗ trợ khách hàng, giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng tại quầy thu ngân...
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ gặp khó khăn do thiếu vốn, do sức cạnh tranh trên thị trường lớn, sức mua của người dân có phần hạn chế trong khi chi phí đầu vào tăng cao… Để kích thích thị trường, thành phố luôn chú trọng kêu gọi đầu tư, hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, chủ động nắm tình hình sản xuất kinh doanh của các hộ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các hộ hoạt động thuận lợi. Thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao, năm 2012 đạt trên 47 %; năm 2013 tăng lên 49,4%.
Để đạt mục tiêu vào cuối năm 2014 có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt trên 21,5 tỷ đồng, thành phố đang tập trung phát triển mạnh và đa dạng hóa các ngành dịch vụ, tăng cường giải pháp thu hút đầu tư, nhất là các ngành có nhiều tiềm năng như du lịch, giáo dục, y tế, nhóm ngành phân phối sản phẩm; khuyến khích việc phát triển các dịch vụ chất lượng cao, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nội thị và liên huyện… tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc