Multimedia Đọc Báo in

Trồng cao su trên đất rừng khộp - Đã đến lúc phải trả giá? (Kỳ II)

09:37, 10/09/2014

Kỳ II: Đi về đâu giấc mơ “vàng trắng”?

Đổ xô trồng, bất chấp quy hoạch khiến diện tích cao su, đến nay có thể nói đã nằm ngoài tầm kiểm soát khi cây cao su phát triển không như mong muốn; một số diện tích tuy đã cho sản phẩm nhưng lượng mủ và chất lượng không cao, có thể đưa đến hậu quả xấu cả về kinh tế và môi trường sinh thái gần như đã thấy rõ...

“Không ăn thua!”

Đó là lời than vãn của hầu hết những người chúng tôi gặp để tìm hiểu về vấn đề chuyển đổi rừng khộp sang trồng cây cao su. Hầu hết diện tích đã được trồng trong khoảng 5-7 năm, dù quá thời gian cạo mủ so với các khu vực khác, nhưng đến nay vẫn chưa cho thu hoạch. Cá biệt tại xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) đã có gần 7 ha cho thu hoạch, nhưng sản lượng và chất lượng mủ đạt thấp nên lợi nhuận mang lại không được như mong muốn. Ông Vũ Duy Tri (thôn 7, xã Cư M’lan) có 2 ha cao su đang thu hoạch cho biết:  mùa đầu tiên của gia đình ông thu được hơn 1 tấn mủ tươi, nhưng do không có đầu ra tại địa phương nên ông Tri phải vận chuyển ra TP. Buôn Ma Thuột bán; sau khi hạch toán đã không đủ chi phí bỏ ra. Đã mấy tháng nay, ông Nguyễn Văn Bằng - xã Ea Lê, huyện Ea Súp - chẳng buồn ghé thăm vườn cao su hơn 3 ha của gia đình, cả nhà đi làm thuê kiếm sống. Năm 2009, thấy Công ty TNHH Gia Huy được UBND tỉnh cho thuê hơn 300 ha đất rừng, được chuyển đổi toàn bộ để trồng cao su không cần thí điểm, ông Bằng cũng trồng 3 ha cao su gần dự án. “Tôi nghĩ dự án của Công ty được Nhà nước thẩm định có hiệu quả mới cho làm, vậy là chắc ăn; ai ngờ cao su đến tuổi thu hoạch thân cây chỉ mới to bằng cán cuốc. Giờ tôi quay lại trồng bắp, đợi cao su lớn chặt dần làm… củi” - ông Bằng buồn bã nói. Ông Đặng Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết: “Người dân trong xã đã trồng tràn lan hơn 500 ha cao su, giờ mủ rớt giá chẳng biết làm thế nào. Mà không rớt giá cũng vậy thôi, bởi theo quan sát của tôi thì cây sinh trưởng tốt trong khoảng 3 năm đầu, sau đó gặp đá bàn nên rễ chính, rễ ngang không phát triển được là chững lại, hoặc chết đứng”.

Còn theo ông Phạm Văn Thước - Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, trước đây toàn xã có 700ha điều nhưng kém hiệu quả nên từ năm 2008 đến nay, dân chặt hết để trồng cao su. Ông Thước lo ngại: “Trừ mấy vườn cây ven suốt là có chút hy vọng, còn lại đều trồng trên đất có tầng canh tác mỏng, bên dưới toàn đá bàn dày từ 8 - 15m tùy chỗ. Nếu một lần nữa chặt bỏ cao su như cây điều trước đây, dân nghèo sẽ lại nghèo thêm”. Người dân trồng cao su tiểu điền đã đành, không ít DN cũng đã bắt đầu “ngấm đòn” với chuyện trồng cây cao su trên đất rừng khộp. Chẳng hạn, Dự án đầu tư trồng cao su của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Nguyên tại Tiểu khu 486 và 479, xã Ea Huar (Buôn Đôn) là một trong những dự án chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su sớm nhất tại huyện Buôn Đôn. Tính đến nay các vườn cao su của công ty này đã trồng được gần 10 năm, nhưng vẫn chưa cho sản phẩm. Ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho hay, không hiểu vì lý do gì mà 120 ha cao su của công ty đã bị bỏ hoang?

Vườn cao su gần 10 năm tuổi èo uột bị bỏ hoang tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn.
Vườn cao su gần 10 năm tuổi èo uột bị bỏ hoang tại xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn.

Chênh vênh giấc mơ “vàng trắng”

Để trồng mới 1 ha cao su, tổng chi phí đầu tư khoảng 130 triệu đồng. Nếu cây phát triển tốt, sau 6 năm sẽ cho khai thác mủ trong thời gian 25 năm, sau đó bán cây lấy gỗ, với giá 350.000 đồng/cây thì 1 ha gỗ cao su sẽ bán được 180 triệu đồng. Trung bình 1 ha cao su cho thu hoạch 2 tấn mủ/năm, tương đương gần 200 triệu (thời điểm giá cao su cao nhất). Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược, không kể do giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay mà việc trồng cao su trên đất rừng khộp khiến thời gian đầu tư bị kéo dài, lượng mủ thấp, chi phí cao đã khiến người trồng cao su không thể có lãi. Chưa kể cây cao su sau 3 năm cùng lắm mới bằng… cổ tay thì không biết bao giờ mới có thể thành gỗ để bán. Trong báo cáo mới đây nhất của UBND huyện Ea Súp trước Tỉnh ủy về vấn đề này cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, một số dự án trồng cao su trên đất rừng khộp sinh trưởng kém do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, đầu tư chưa đúng mức, một số vườn cây tỷ lệ chết cao do tính thích nghi với điều kiện ngoại cảnh thấp, do ngập úng… Đáng ngại là cũng theo báo cáo này, phân hạng diện tích đất trồng cây cao su được chia thành các mức độ: S1 rất thích nghi, S2 thích nghi trung bình, S3 thích nghi thấp, trong khi đa phần diện tích đất trong rừng khộp thuộc mức thích nghi S3. Theo một đại diện chính quyền xã Ea Lê (Ea Súp), hiện nay trên địa bàn xã đã xuất hiện tình trạng nông dân chặt bỏ cây cao su dù đã bỏ không ít tiền của, công sức để đầu tư, nguyên nhân không chỉ do giá mủ xuống thấp mà chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của cây bị chững lại một cách đáng lo ngại. Quả thực nhìn những vườn cao su gần 3 năm tuổi mà chỉ lớn hơn ngón chân cái, mới thấy tương lai mờ mịt của những người trồng cao su trên đất rừng khộp…

Mới đây, trong cuộc làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, một lãnh đạo huyện Ea Súp đã tỏ ra lo ngại: “Nếu cao su phát triển, cho hiệu quả kinh tế bình thường thì không sao, bằng ngươc lại thì địa phương sẽ không biết nói sao với dân!”…

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối tháng 6-2014, diện tích cao su bị thanh lý và chuyển đổi trên cả nước vào khoảng trên 3.300 ha, trong đó chủ yếu diễn ra ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên và tập trung ở diện tích cao su tiểu điền.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.