Multimedia Đọc Báo in

Agribank Đại học Tây Nguyên: Hiệu quả kinh doanh gắn với lợi ích xã hội

07:07, 12/10/2014
Thời gian qua, Ngân hàng NN&PTNT Dak Lak luôn quán triệt phương châm hoạt động của mình là hiệu quả kinh doanh gắn với lợi ích xã hội.
 
Một trong những chi nhánh thực hiện hiệu quả mục tiêu trên là Phòng giao dịch Đại học Tây Nguyên (Agribank Đại học Tây Nguyên) khi đóng vai trò chủ công trong việc liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm dịch vụ với Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên.
 
Từ tháng 6-2011, Phòng đã ký kết hợp tác toàn diện với Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên - hai trường có quy mô lớn nhất của ngành giáo dục trên địa bàn, với hơn 1.000 cán bộ, giáo viên và hơn 20.000 học sinh, sinh viên. Đây là điều kiện thuận lợi để Phòng đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cho hai đơn vị này, nhất là từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động của Agribank Đại học Tây Nguyên đạt gần 117 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 127 tỷ đồng; cùng với phát hành 20.200 thẻ, trong đó phần lớn là thẻ liên kết sinh viên; doanh số giao dịch qua máy ATM bình quân 20 tỷ đồng/tháng, với 19.500 lượt khách hàng/tháng. Đây là những con số đáng ghi nhận đối với quy mô một phòng giao dịch trong việc nỗ lực đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến tận tay người tiêu dùng. Ngoài việc huy động nguồn vốn từ tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi thanh toán của cán bộ, giáo viên nhà trường, đơn vị còn có nguồn huy động vốn các nguồn tài trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục  với mức lãi suất khá ổn định như tài khoản chuyên thu từ Quỹ hỗ trợ Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011 – 2015; Quỹ tài trợ từ Dự án VN 101 về nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; Quỹ tài trợ từ Dự án nâng cao năng lực dạy nghề do tổ chức lao động quốc tế ILO; Nguồn tài trợ từ Dự án nâng cấp trường giai đoạn 2011 – 2015 do cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc ( KOICA) tài trợ…
Quầy thu học phí tại Phòng giao dịch Đại học Tây Nguyên.
Quầy thu học phí tại Phòng giao dịch Đại học Tây Nguyên.

Giám đốc Agribank Đại học Tây Nguyên Cao Chí Thanh cho biết, là một đơn vị kinh doanh, đương nhiên hiệu quả kinh tế phải được đặt lên hàng đầu, nhưng đơn vị vẫn luôn là “điểm tựa” vững chắc cho cả nhà trường, sinh viên và phụ huynh. Các sản phẩm dịch vụ như tiền gửi tiết kiệm của cán bộ, giáo viên; tiền gửi thanh toán và tiền gửi chuyên thu của nhà trường và hàng ngàn tài khoản thẻ cho sinh viên; dịch vụ chi hộ tiền lương qua tài khoản; mở thẻ liên kết sinh viên; thu học phí qua hệ thống thanh toán của Agribank… đang phát huy hiệu quả và được giảng viên và sinh viên hai trường đánh giá cao. Bà Đặng Thị Hoài Bắc, phụ huynh sinh viên Phạm Thị Trúc Quỳnh (sinh viên năm 1, Khoa Y – Dược, Trường Đại học Tây Nguyên) nhà ở Phú Yên cho hay, với thẻ liên kết sinh viên do Agribank Đại học Tây Nguyên phát hành, hằng tháng bà có thể gửi tiền, giám sát việc sử dụng tiền phục vụ việc học của con. Trong khi đó, sinh viên Y Sanh Kuan (năm 1, Khoa Nông - Lâm) cũng cho biết, thẻ liên kết sinh viên của em không chỉ sử dụng để rút tiền từ máy ATM mà còn là thẻ sinh viên, thẻ thư viện, thẻ vào lớp… nên rất hữu ích. Bên cạnh hoạt động trên, Agribank Đại học Tây Nguyên còn là nơi thực tập rất thiết thực đối với sinh viên ngành kinh tế, đặc biệt, phòng giao dịch còn có thể sắp xếp thời gian tham gia các buổi ngoại khóa bổ trợ kiến thức liên quan đến tài chính, ngân hàng cho sinh viên nếu nhà trường có nhu cầu.

Với những kết quả trên đã khẳng định mô hình hợp tác toàn diện giữa Agribank Dak Lak với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, là bước đi đúng hướng trong việc thực hiện đa dạng hóa việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng, gắn hiệu quả kinh doanh với lợi ích xã hội…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.