Multimedia Đọc Báo in

Bài toán về vốn cho Hợp tác xã nông nghiệp: Chưa có lời giải!

13:02, 18/10/2014

Thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, nhất là HTX nông nghiệp. Mặc dù, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều giải pháp góp phần giải quyết tình trạng “khát” vốn, giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn, nhưng xem ra chẳng thấm vào đâu.

Thiếu vốn, biết rồi, khổ lắm..!

Theo Liên minh HTX tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp có số lượng HTX  lớn nhất, với 168 HTX, chiếm khoảng 49% tổng số HTX toàn tỉnh. Mặc dù, nhiều HTX nông nghiệp đã từng bước đổi mới mô hình hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, kết hợp giữa dịch vụ với sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, nhưng tỷ lệ HTX đạt loại khá, giỏi mới chỉ chiếm 25%, trong khi có đến 55% số HTX đạt trung bình, 20% yếu kém và số HTX ngừng hoạt động chiếm tỷ lệ cao. Ngoài các nguyên nhân do năng lực quản lý, nguồn lực nội tại của HTX còn yếu, thiếu kỹ năng quản trị, tiếp cận thị trường; công nghệ, kỹ thuật lạc hậu; tính hợp tác và nội dung dịch vụ còn đơn giản, thì nguyên nhân thiếu vốn đang là rào cản lớn nhất đối với các HTX.   

                      Giám đốc HTX 714 Vũ Xuân Thu (người đứng giữa) đang kiểm tra ruộng lúa của HTX.
Giám đốc HTX 714 Vũ Xuân Thu (người đứng giữa) đang kiểm tra ruộng lúa của HTX.

Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Nhơn (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) được thành lập năm 2006, qua đó đã giúp nhiều hộ làm nghề đốt than (gây ô nhiễm môi trường và vi phạm lâm luật) chuyển sang sản xuất bánh tráng mang thương hiệu làng nghề Ea Bar, nhưng mới hoạt động được thời gian ngắn thì HTX rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất. Theo tính toán của những người làm nghề, nếu làm bánh thủ công chỉ phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng để mua nồi, vỉ, khuôn bánh, cối xay bột…, trong khi làm bằng máy thì vốn đầu tư phải lên đến vài trăm triệu đồng. Trong tổng số khoảng 200 hộ làm nghề bánh tráng, hiện chỉ mới có 7 hộ sắm được máy, còn lại phải làm thủ công. Ông Trần Ngọc Mỹ, Giám đốc HTX cho biết, do không có máy sản xuất nên vào mùa mưa (không thể phơi bánh), phần lớn các hộ phải làm thuê, hoặc quay trở lại nghề đốt than kiếm sống, còn HTX thì không có tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng để hỗ trợ xã viên nên đành... bó tay! Hay trường hợp của HTX Nông nghiệp 714 (xã Ea Pal, huyện Ea Kar), mặc dù là HTX điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng theo Giám đốc Vũ Xuân Thu thì mục tiêu của HTX là xây dựng cho được quy trình sản xuất khép kín (từ sản xuất đến tiêu thụ) sản phẩm lúa, gạo mang thương hiệu của HTX. Tuy nhiên, để hoàn thiện được mô hình này phải cần đến khoảng 50 tỷ đồng, trong khi HTX lại không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, do không có tài sản thế chấp, ngân hàng không chấp nhận…

Giải pháp nào để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng?

Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX nông nghiệp chính là tìm nguồn vốn đầu tư mua sắm thiết bị, mở rộng kinh doanh, sản xuất. Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, việc các HTX khó tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay phần lớn là do chưa chứng minh được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chưa tạo được niềm tin đối với các tổ chức tín dụng, cũng như việc đáp ứng đầy đủ hồ sơ pháp lý theo yêu cầu… Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo đó ngân hàng sẽ cho các tổ chức kinh tế tập thể vay không cần thế chấp tài sản, với số vốn tối đa là 500 triệu đồng, kèm theo điều kiện các HTX phải đưa ra được phương án kinh doanh khả thi, bảo đảm được các tiêu chí về tư cách pháp nhân, khả năng tiêu thụ sản phẩm trên thị trường và khả năng hoàn trả vốn... Tuy nhiên, có rất ít HTX đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên nên việc tiếp cận được nguồn vốn này không dễ dàng chút nào. Trong khi đó, vốn của Quỹ hỗ trợ  phát triển HTX tỉnh thì hạn chế, từ năm 2012-2014 ngân sách tỉnh mới bố trí được trên 2,6 tỷ đồng (theo Nghị quyết số 44/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2012 – 2015) nên không thể đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của các HTX. Đến nay, Quỹ hỗ trợ mới giải quyết được 42 lượt HTX vay, với tổng dư nợ gần 8 tỷ đồng, trong đó ưu tiên cho các HTX nông nghiệp, với 29 lượt vay, tổng dư nợ 5 tỷ đồng.

Xã viên của HTX Hòa Nhơn (Buôn Đôn) đang làm bánh tráng  theo cách thủ công.
Xã viên của HTX Hòa Nhơn (Buôn Đôn) đang làm bánh tráng theo cách thủ công.

Trước tình hình trên, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX bằng cách tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tài chính kế toán cho cán bộ quản lý kinh tế và kế toán trong các HTX; tư vấn, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lập dự án đầu tư để vay vốn của các tổ chức tín dụng khác… Tuy nhiên, ngoài các hỗ trợ trên, các HTX nông nghiệp cũng cần năng động hơn trong việc liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường ổn định cũng như tạo dựng niềm tin với các tổ chức tín dụng… có như vậy mới thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào HTX.

Thuận Nguyễn 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.