Bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, việc định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn...
Những nỗ lực không ngừng
Đào tạo nghề cho LĐNT là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nông thôn. Chính vì vậy, hằng năm, các địa phương đã không ngừng chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB & XH, hiện trên địa bàn tỉnh có 46 cơ sở dạy nghề, bao gồm 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề tư thục, 25 trung tâm dạy nghề (trong đó có 14 trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện và 9 trung tâm dạy nghề tư thục, 2 trung tâm dạy nghề công lập cấp tỉnh) và 16 cơ sở khác có dạy nghề. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 227 lớp dạy nghề với 7.718 học viên được hỗ trợ học nghề.
Các học viên đang chăm chỉ học nghề chạm khắc gỗ tại một cơ sở dạy nghề trên địa bàn huyện Cư M’gar. |
Nhìn chung, việc dạy nghề đã gắn với nhu cầu của nông dân và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như mỗi địa phương. Chị Trần Thị Thu ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết, năm 2013 chị đã theo học lớp học nghề chăm sóc cà phê do Trung tâm dạy nghề huyện phối hợp với UBND xã tổ chức. Sau khóa học 3 tháng chị đã biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cà phê của gia đình, đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập tăng hơn 10% so với cách chăm sóc cà phê theo kinh nghiệm truyền thống trước đây. Bên cạnh các nhóm nghề nông nghiệp thì một số ngành nghề phi nông nghiệp khác như sửa chữa máy móc nông nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật cơ khí… đã góp phần giúp người dân biết cách sửa chữa những thiết bị hỏng hóc trong gia đình. Ở nhiều địa bàn thôn buôn trong tỉnh như thôn 1, 2 xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar), thôn Tân Quảng xã Ea Kênh (huyện Krông Pak)... còn hình thành các nhóm, tổ hợp tác sản xuất (trong đó có nhiều nhóm, tổ của đồng bào dân tộc thiểu số) nhận hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn để gia công như hàng may mặc, hàn sắt thép, đánh bóng đồ gỗ mỹ nghệ... đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Vẫn còn nhiều bất cập
Bên cạnh kết quả tích cực, thì công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Theo đánh giá của các địa phương cũng như các cơ sở dạy nghề, phần lớn các học viên sau khi được cấp chứng chỉ nghề đều không tích cực chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, hoặc không theo nghề đã học. Đơn cử như tại Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar, từ năm 2012 đến nay đã mở 24 lớp dạy nghề LĐNT cho khoảng 500 lượt người học các nghề như xây dựng dân dụng, sửa chữa xe máy, dệt thổ cẩm…, nhưng hiện tại số người hành nghề đã được đào tạo để lập nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar cho rằng: Các học viên sau khi được đào tạo các lớp ngắn ngày như kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp, dệt thổ cẩm… khó có thể đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sản xuất, xí nghiệp mà chỉ có thể làm công việc đơn giản, phục vụ cho gia đình. Nhiều học viên sau khi học xong lớp kỹ thuật dệt thổ cẩm đã cơ bản nắm được kiến thức và cách dệt nên những tấm vải thổ cẩm đẹp, nhưng sản phẩm không có đầu ra ổn định, thiếu vốn đầu tư máy móc và nguyên liệu dệt, đành phải bỏ nghề. Nhiều thôn, buôn chỉ có vài chục nóc nhà nhưng có hàng chục người tham gia học nghề sửa chữa xe máy. Sau khi kết thúc khóa học, nhà nào cũng có “thợ” sửa chữa xe máy nên chẳng biết sửa cho ai.
Cơ sở dệt may tất (vớ) Mai Hoàn ở tổ dân phố 10, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn. |
Ông Ysa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB & XH thẳng thắn thừa nhận: Hiện nay công tác dạy nghề cho LĐNT tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung, việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nghề đào tạo chưa phù hợp với điều kiện của địa phương. Chưa kể, một số cơ sở dạy nghề còn coi trọng số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng; đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động cả về chất lượng và cơ cấu ngành nghề. Công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề được thực hiện trên cơ sở điều kiện, khả năng của các cơ sở dạy nghề, chưa căn cứ vào nhu cầu của xã hội. Cùng với đó là việc giới thiệu lao động sau khi học nghề đi làm việc tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do tâm lý và tay nghề của người lao động chưa thích ứng với điều kiện sản xuất công nghiệp.
Theo ông Ysa Phôn, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, ngoài các chế độ, chính sách ưu đãi, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn, giúp người lao động chọn nghề phù hợp; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ người lao động sau học nghề được tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm cũng như giúp họ hình thành các tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, đảm bảo người lao động sau khi được đào tạo nghề tìm được việc làm hoặc vận dụng vào thực tế để nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Mặt khác, cần bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đối với hoạt động của các trung tâm dạy nghề cũng như tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Qua đó, tạo nên sức hấp dẫn thu hút nhiều lao động tham gia học nghề, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2015.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc