Cần phải tối giản chi phí sản xuất cây ngô
Theo số liệu niên giám thống kê thì diện tích ngô tại Dak Lak những năm gần đây phát triển ổn định từ 119.000-120.000 ha/năm, trong đó vụ hè thu là vụ chính, khoảng 73.000 ha/năm. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống ngô lai vào trồng đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng ngô hạt, tuy nhiên, người nông dân lại không làm chủ được thị trường và thường xuyên bị ép giá… Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN - PTNT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak về vấn đề này.
- Xin ông cho biết, nguyên nhân vụ ngô hè thu 2014 được mùa nhưng mất giá so với năm 2013?
Người dân thường nói được mùa gắn với mất giá do cung vượt cầu, thương lái ép giá, nhưng đó chỉ là một phần, bởi thực tế ngô sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đủ dùng, các doanh nghiệp phải nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô/năm để phục vụ cho sản xuất, chế biến thức ăn gia súc và các loại thực phẩm khác. Vì vậy, mất giá không phải là giá ngô thấp mà do chi phí nông dân đầu tư vào sản xuất quá cao. Thử làm phép so sánh, ngô nhập khẩu đương nhiên phải cộng với chi phí vận chuyển đường dài không hề thấp, thuế khóa tại các quốc gia xuất, nhập, thậm chí đơn vị nhập khẩu phải đặt cọc trước cho nơi sản xuất, nhưng khi ngô về đến kho doanh nghiệp vẫn rẻ hơn, chất lượng lại cao hơn ngô sản xuất trong nước. Sự góp mặt của ngô nguyên liệu nhập ngoại trên thị trường nội địa, một mặt tác động tiêu cực trực tiếp tới giá cả nông sản sản xuất trong nước, nhưng mặt khác lại thúc đẩy nông dân muốn tồn tại thì phải thay đổi lề lối canh tác cũ, truyền thống bằng phương pháp sản xuất theo xu thế mới, tiết kiệm chi phí (hướng đến hội nhập) phù hợp hơn.
Nông dân huyện Ea Kar thu hoạch ngô. |
-Vậy giải pháp nào giúp cây ngô thoát khỏi thực trạng mất giá nói trên, thưa ông?
Có rất nhiều vấn đề cần phải làm từ cây giống, phân bón đến phương pháp canh tác..., trong đó, về cơ bản chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu về giống, với trên 90% diện tích trồng ngô lai, năng suất cao. Có những giống ngô cho năng suất trên 10 tấn/ha, nhưng năng suất bình quân hằng năm vẫn chỉ đạt 5,9 tấn/ha do một số địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn canh tác theo lối truyền thống, chọt lỗ, gieo hạt, chờ ngày thu hoạch mà chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật; bón phân không đúng, không đủ… khiến năng suất thấp. Do vậy, cần phải đẩy mạnh hoạt động khuyến nông ở vùng sâu, vùng xa, giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhất là phải xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa tất cả các công đoạn sản xuất từ làm đất đến bón phân, thu hoạch, phơi sấy… trên cơ sở giảm chi phí đầu tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… một cách phù hợp. Tăng cường hơn nữa mối liên kết 4 nhà, phải có một tổ chức đủ thẩm quyền, năng lực và trình độ đứng ra làm trọng tài để giám sát, hỗ trợ các bên có tham gia vào hoạt động canh tác, kinh doanh… sản phẩm ngô, đặc biệt là giám sát doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi để chủ động đầu ra ổn định cho hạt ngô của nông dân, tăng cường chế biến ngô làm thức ăn gia súc phục vụ ngành chăn nuôi địa phương…, khi đó cây ngô mới đứng vững được trên chính mảnh đất của mình.
- Xin cảm ơn ông!
Thanh Hường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc