Chậm di dời các cơ sở chế biến lâm sản - vì sao?
Chủ trương di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp (CCN ) và điểm quy hoạch (ĐQH) của tỉnh với mục đích giúp cho các cơ sở chế biến lâm sản phát triển lành mạnh, góp phần bảo đảm an ninh rừng. Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, việc di dời vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong số 70 xưởng chế biến gỗ của các doanh nghiệp (DN), chỉ có 46 xưởng đang hoạt động, 6 xưởng tạm đình chỉ, 2 xưởng bị đình chỉ, 16 xưởng đang tạm ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Tổng số cơ sở sản xuất đồ mộc là 319, trong đó có 262 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong số đó chỉ có 218 cơ sở đang hoạt động. Các DN, cơ sở chế biến lâm sản chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu từ rừng tự nhiên, cho nên khi có chủ trương đóng cửa rừng đã rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Bên cạnh đó, năng lực chế biến của các cơ sở còn hạn chế, chủ yếu chỉ xẻ gỗ dạng hộp, gỗ xây dựng cơ bản, xuất thô, chưa đầu tư dây chuyền công nghệ làm những sản phẩm tinh chế, hàng mộc cao cấp nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Năng lực yếu, không xây dựng được vùng nguyên liệu là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến ngành chế biến lâm sản trong những năm qua phát triển thiếu ổn định, cạnh tranh không lành mạnh. Từ cuối năm 2010, Sở NN-PTNT đã công bố quy hoạch ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020, theo đó, các cơ sở chế biến gỗ được tổ chức, sắp xếp lại, di dời vào các khu, CCN, ĐQH trước 31-12-2012. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 10 DN di dời. Các địa phương tuy đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN, ĐQH để di dời các cơ sở chế biến lâm sản, nhưng việc triển khai còn chậm.
Cụm công nghiệp Ea Đar vẫn đang còn đầu tư dang dở. |
Một cơ sở chế biến lâm sản ở TP. Buôn Ma Thuột |
Chế biến lâm sản cũng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, do đó vấn đề đặt ra là làm thế nào để cho ngành này có sự phát triển lành mạnh, bền vững. Mới đây, Sở NN-PTNT cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào CCN, ĐQH theo quy định; đề nghị UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh thời hạn thực hiện chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chế biến lâm sản theo Nghị quyết 06/2010/NQ-HĐND, bởi trên thực tế, đến nay vẫn chưa áp dụng trong khi Nghị quyết chỉ có hiệu lực đến tháng 12-2012. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra theo dõi nhật ký nhập, xuất lâm sản tại các xưởng chế biến để kịp thời xử lý nếu phát hiện sai phạm theo Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT quy định về hồ sơ lâm sản… Có như vậy, ngành kinh tế mũi nhọn này mới phát triển ổn định, góp phần tích cực vào công tác, quản lý bảo vệ rừng.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc