Multimedia Đọc Báo in

Dán tem cho bia!?

17:40, 10/10/2014
Bộ Công thương đang lập đề án chi tiết “Nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”, bằng việc đưa ra phương án dán tem đối với mặt hàng bia.
 
Dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến của doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà quản lý và các chuyên gia. Theo bộ này, dán tem cho sản phẩm bia nhằm mục đích quản lý thống nhất từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ đối với từng sản phẩm bia, từ đó loại bỏ các hành vi gian lận thương mại. Tuy nhiên, với những người trực tiếp sản xuất và tiêu dùng thì dự thảo này khiến họ không ít băn khoăn.
Dây chuyền dán nhãn mác tại Nhà máy Bia Sài Gòn Dak Lak. Ảnh: Đ.T
Dây chuyền dán nhãn mác tại Nhà máy Bia Sài Gòn Dak Lak. 

Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Miền Trung, việc dán tem vào sản phẩm bia cần tính toán cho phù hợp hơn trên cơ sở đánh giá thực trạng ngành sản xuất bia. Đối với các hãng bia lớn, việc sản xuất phải qua nhiều công đoạn và được quản lý ISO. Ông Dũng cho rằng dán tem trên tất cả các sản phẩm bia để tăng cường quản lý liệu có hiệu quả hay chỉ thêm phần lãng phí. Với sản lượng bia cả nước hiện nay vào khoảng 3 tỷ lít, tính sơ bộ chi phí dán tem bia cũng đã tương đương với tổng thu ngân sách của một địa phương. Riêng Nhà máy Bia Sài Gòn Dak Lak, với sản lượng khoảng 60 triệu lít/năm thì đơn vị cũng phải chi phí gần 60 tỷ đồng cho việc dán tem (ước tính theo giá tem dán rượu) chưa kể đầu tư máy móc, thiết bị. Từ thực tế này, ông Dũng đề xuất nên dán tem với sản phẩm bia nhập khẩu. Còn việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong sản xuất kinh doanh bia không gì hay hơn là quản lý tận gốc, từng nhà máy, có nghĩa quản lý từ nơi sản xuất đến khai báo thuế nhằm chống gian lận thương mại, theo đó chi phí sẽ thấp hơn so với con số hàng tỷ đồng mỗi năm để đầu tư dán tem.

Đó là với doanh nghiệp - những người trực tiếp sản xuất, còn với những người đang trực tiếp tiêu dùng sản phẩm này thì có thêm những băn khoăn nữa. Ấy là chi phí dán tem đầu tiên doanh nghiệp chịu nhưng cuối cùng lại là người tiêu dùng chịu khi chắc chắn nó sẽ được tính vào chi phí, giá thành sản phẩm. Chưa hết, một vấn đề khác đặt ra ở đây là việc: nếu thực hiện chủ trương dán tem không tốt, quản lý không tốt sẽ dẫn đến làm giả tem và cả sản phẩm, nhất là khi mặt hàng bia có số lượng quá nhiều, việc kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn. Con tem vô hình trung có thể trở thành “chiếc bình phong” ngụy trang, che giấu cho những hàng hóa kém chất lượng. Câu chuyện này đã xảy ra không ít với các sản phẩm được dán tem là rượu, thuốc lá.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.