Để cà phê sạch "hút" khách hàng trong nước
Theo những người sành điệu thì cà phê sạch được sản xuất từ 100% hạt cà phê và không pha lẫn bất kỳ hóa chất, phụ gia nào, hoặc trộn lẫn trong đó một tỷ lệ nhất định bắp, đậu nành... Quá trình rang xay chế biến ra cà phê thành phẩm chỉ có tẩm bơ, rượu, mỡ gà…, để làm cho hương vị trở nên đậm đà, lôi cuốn người thưởng thức. Hiện nay, có không ít doanh nghiệp chú trọng đến chế biến cà phê sạch, nhưng có một nghịch lý là loại cà phê này rất khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa vì giá thành thường cao hơn so với các sản phẩm cà phê bột khác, hoặc không hợp với thị hiếu thưởng thức chung của người tiêu dùng trong nước (thích cà phê sánh, đặc, trong khi cà phê nguyên chất thường loãng và không dậy mùi thơm!). Theo Thiếu tá Đỗ Quang Ngọc, Quyền giám đốc nhà máy chế biến cà phê bột (Công ty Cà phê 15), mới đây công ty này đã ra mắt sản phẩm cà phê bột nguyên chất và cà phê rang tẩm nguyên hạt, mặc dù sản phẩm có chất lượng cao, hương vị đặc trưng, nhưng rất khó tìm kiếm thị trường và cạnh tranh với các sản phẩm cà phê bột khác có giá thấp hơn. Biện pháp để “hút” người tiêu dùng hướng tới cà phê sạch là trước mắt, Công ty sẽ giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng, hương vị đặc trưng ban đầu để từng bước thu hút thực khách tìm đến với sản phẩm cà phê của mình. Còn Công ty TNHH MTV 2-9 Dak Lak cho ra mắt các sản phẩm cà phê bột có gắn logo Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột để thu hút người tiêu dùng trong nước, với mục tiêu là đưa cà phê nguyên chất đến với người tiêu dùng để kích cầu thị trường cà phê rang xay nguyên chất nội địa, hướng người tiêu dùng vào thói quen sử dụng cà phê sạch. Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Ca cao – Cà phê Việt Nam, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở chế biến cà phê bột và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm…, có như vậy mới đánh bật được các loại cà phê bẩn để người tiêu dùng yên tâm khi thưởng thức cà phê tại thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột.
Lê Minh
Ý kiến bạn đọc