Multimedia Đọc Báo in

Để người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt

17:42, 10/10/2014
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất được đông đảo người dân tin dùng và đón nhận.
 
Đơn cử như đợt Trung thu vừa qua, lần đầu tiên lồng đèn các loại do Việt Nam  sản xuất tung ra thị trường ngay lập tức đã chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng (NTD). Trong đó, sức tiêu thụ mạnh nhất là ở loại lồng đèn có in dòng chữ khơi gợi lòng yêu nước: “Hoàng Sa - Trường Sa là  của Việt Nam”, “Em yêu biển đảo quê em”. Điều này cho thấy, hàng Việt đã “áp đảo” được hàng Trung Quốc, ít ra ở mặt hàng lồng đèn Trung thu- thị trường mà hàng của nước này từng chiếm ưu thế trong một thời gian khá dài.
Giày dép BQ-Đà Nẵng là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi được bày bán phổ biến tại các chợ nông thôn. Trong ảnh: Chọn mua giày dép BQ-Đà Nẵng tại chợ Krông Bông).
Giày dép BQ-Đà Nẵng là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi được bày bán phổ biến tại các chợ nông thôn. (Trong ảnh: Chọn mua giày dép BQ-Đà Nẵng tại chợ Krông Bông).

Tại các huyện, nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo, mỹ phẩm do Trung Quốc sản xuất với lợi thế giá rẻ, loại nào cũng có, nay cũng khiến NTD trở nên e dè hơn khi lựa chọn. Thậm chí, nhiều tiểu thương phải “né” đi chữ Trung Quốc để bán cho được hàng. Ngược lại, xu hướng tìm mua hàng do trong nước sản xuất đang được nhiều người lựa chọn. Cụ thể, như việc nhiều NTD đã quay sang dùng các dòng mỹ phẩm Việt chất lượng, an toàn, giá cả lại phải chăng như Việt Hương, Lana, Thorakao… bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tại các quầy mỹ phẩm trong các chợ truyền thống lẫn siêu thị, và đang từng bước chinh phục được khách hàng “khó tính”, kể cả những người vốn xưa nay có thói quen xài hàng ngoại.

Để đạt được kết quả trên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp Việt đã không ngừng nỗ lực thực tế hóa thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng các việc làm thiết thực như tích cực mang hàng hóa tham gia các đợt hội chợ, triển lãm, đưa hàng Việt về nông thôn…, góp phần làm tăng sức lan tỏa cho hàng Việt, nhất là ở thị trường nông thôn. Còn nhớ, hồi tháng 3 vừa qua, Hội chợ-triển lãm hàng công nghiệp Dak Lak lần thứ I-2014 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đã nhận được sự quan tâm của đông đảo NTD, trong đó, thành công nhất của hội chợ lần này là đã giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương, kết nối được giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất và NTD địa phương. Nhưng có lẽ, cái hay của hội chợ là đã không bán vé vào cổng, điều tưởng nhỏ này nhưng lại có hiệu quả lớn, bởi nhiều người ban đầu không có ý định vào hội chợ, nhưng vì vào cổng tự do nên cũng “tiện đường” ghé lại tham quan, mua sắm, và được nghe nhân viên bán hàng giới thiệu về các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hay như việc mới đây nhất, Co.op Mart Buôn Ma Thuột triển khai chương trình “Tự hào hàng Việt” với trên 3.000 sản phẩm thuộc các ngành hàng thiết yếu của các thương hiệu Việt uy tín như Vinamilk, Tường An, Nam Dương, Mỹ Hảo, Vinacafe, Xuân Hồng, Kinh Đô… được giảm giá đến 50%, đã thu hút lượng lớn khách đến mua sắm, góp phần thiết thực đưa hàng Việt giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm đến với NTD…

Các sản phẩm của Hợp tác xã mây, tre đan Phú Thịnh (Krông Pak) thu hút sự quan tâm  của đông đảo người tiêu dùng tại Hội chợ - triển lãm hàng công nghiệp Dak Lak lần thứ I-2014.
Các sản phẩm của Hợp tác xã Mây, tre đan Phú Thịnh (Krông Pak) thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng tại Hội chợ - triển lãm hàng công nghiệp Dak Lak lần thứ I-2014.

Tuy nhiên, để thông điệp “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” thực sự trở thành thói quen không thể thiếu của NTD thì còn nhiều việc cần phải làm, trong đó, doanh nghiệp Việt đừng quên đẩy mạnh việc tự quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình để NTD biết đến doanh nghiệp nhiều hơn, nhất là tại thị trường nông thôn… Vì trên thực tế, có không ít sản phẩm Việt chất lượng cao, giá cạnh tranh, nhưng không được nhiều NTD biết đến do khâu  quảng bá, tiếp thị yếu. Ngoài ra, còn có điều đáng buồn nữa là một số sản phẩm Việt (tập  trung chủ yếu ở mặt hàng mỹ phẩm) dù rất được NTD ưa chuộng lại không “giữ” được cho mình cái tên Việt mà lại lấy tên theo tiếng nước ngoài, khiến người dùng cảm thấy “khó chịu” khi thực tế họ đang xài hàng nội nhưng lại “đội lốt” bằng một cái tên… Tây (!). Ví dụ như, sản phẩm kem dưỡng trắng da hiệu Rojzy Jiala của Công ty TNHH T.M.P, hay như sản phẩm kem dưỡng trắng da, trị nám O’Jee  của Công ty TNHH sản xuất - thương mại H. V (TP. Hồ Chí Minh)…Tại sao trong lúc người dân đang hướng về hàng nội địa thì các DN Việt này lại muốn “Tây hóa” để “làm sang” cho sản phẩm của mình?

Cùng với đó, một điều không kém quan trọng nữa là, để hàng Việt xâm nhập mạnh vào thị trường, theo nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống thì các DN trong nước cần chú trọng đến chế độ chiết khấu đối với  họ sao cho phù hợp, bởi hiện tại, các sản phẩm trong nước thường chiết khấu thấp hơn nhiều so với hàng nhập ngoại, khiến một số tiểu thương “ngại” bán hàng Việt…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khoác “áo mới” cho đô thị Buôn Ma Thuột
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột đang từng ngày đổi thay, phát triển trở thành đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc, giữ vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), thành phố đã lựa chọn hàng loạt công trình đưa vào đợt thi đua đặc biệt để thực hiện. Qua đó, góp phần làm cho đô thị Buôn Ma Thuột ngày càng khởi sắc hơn.