Multimedia Đọc Báo in

Đừng "bỏ rơi"... cầu dân sinh!

08:39, 02/10/2014

Trên địa bàn tỉnh hiện có đến hàng trăm chiếc cầu dân sinh nằm trong tình trạng hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, nhưng việc huy động vốn từ xã hội để duy tu, sửa chữa, nâng cấp hay làm mới vẫn chưa được chú trọng!

Theo khảo sát mới nhất của Sở GTVT, hiện Dak Lak có 433 cầu dân sinh, trải rộng khắp địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh, trong đó, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Cư M’gar, Krông Bông, Ea H’leo, Ea Kar… Chỉ có 76 cầu đang sử dụng được; 15 cầu thuộc Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 đã và đang triển khai; 9 cầu thuộc Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã được phê duyệt, hiện đang chờ vốn; hơn 300 cầu còn lại đều hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Đa số các cầu được làm bằng gỗ, tre, cáp treo đơn giản, kết cấu tạm bợ… tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Thực tế, đã có không ít trường hợp bị tai nạn khi qua cầu, nếu may mắn thì chỉ bị xây xước nhẹ, có người bị nước cuốn trôi, cũng có trường hợp bị rơi từ cáp treo xuống phải đi cấp cứu. Tình trạng xuống cấp của cầu ngoài nguyên nhân thiếu vốn, do tác động của thời tiết, còn có yếu tố quản lý, khai thác chưa được phân cấp rõ ràng. Cũng theo khảo sát của Sở GTVT, nhiều cầu dân sinh không có hồ sơ thiết kế, chủ quản lý và đơn vị vận hành, khai thác, nên đã dẫn đến việc sửa chữa định kỳ, bảo dưỡng thường xuyên hầu như không có, khiến một số bộ phận của cầu bị hư hỏng dần mà không được thay thế kịp thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cây cầu sớm bị hư hỏng hoàn toàn. Theo đánh giá của các chuyên gia cầu đường, nếu một cây cầu dân sinh được quản lý tốt sẽ có tuổi thọ từ 20-25 năm, ngược lại sẽ bị giảm còn 10-15 năm.

Hằng ngày người dân xã Hòa Phong, huyện Krông Bông vẫn phải đi lại  qua những chiếc cầu tạm không bảo đảm an toàn giao thông.
Hằng ngày người dân xã Hòa Phong, huyện Krông Bông vẫn phải đi lại qua những chiếc cầu tạm không bảo đảm an toàn giao thông.

Được biết, từ trước tới nay, việc huy động vốn để xây dựng các công trình cầu có tải trọng lớn, thường là cầu đi qua quốc lộ hoặc tỉnh lộ được các tổ chức xã hội quan tâm, chẳng hạn như vào cuối tháng 5-2014, 2 cây cầu Krông Kmar (huyện Krông Bông) và cầu Ea Súp (huyện Ea Súp) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng bằng nguồn vốn của tổ chức JICA (Nhật Bản) viện trợ không hoàn lại. Trong khi đó, hằng năm ngân sách tỉnh cũng bố trí cho một số công trình trọng điểm như cầu Buôn Trấp (huyện Krông Ana), cầu Vụ Bổn (huyện Krông Pak), với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, nhưng do bố trí gián đoạn nên công trình kéo dài nhiều năm, đến nay vẫn chưa hoàn thành... Trong khi đó, đa số cầu dân sinh bắc qua các sông, suối nhỏ, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất hằng ngày của người dân hầu như kinh phí trích từ ngân sách cho việc duy tu, bảo dưỡng khá khiêm tốn, không đáp ứng yêu cầu. Được biết, để xây dựng một cầu dân sinh bảo đảm ATGT cũng phải mất gần nửa tỷ đồng, con số không hề nhỏ nếu nhân lên với tổng số công trình có nhu cầu sửa chữa, xây dựng mới hiện nay trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là việc huy động nguồn vốn xã hội từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân phục vụ cho xây dựng, duy tu bảo dưỡng cầu dân sinh ít khi được cộng đồng xã hội quan tâm, và hiện tại vẫn chưa có giải pháp khả thi nào cho nhiệm vụ trên trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách địa phương còn rất hạn hẹp như thời điểm hiện nay! Thực tế, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số cầu dân sinh do người dân địa phương đóng góp như cầu treo tại xã Phú Xuân, Ea Dah (huyện Krông Năng), nhưng với số tiền ít ỏi nên cầu làm xong, đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn lại bị xuống cấp.

Ông Tô Quang Dịnh, Phó Trưởng phòng giao thông (Sở GTVT) cho biết, nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng 1 công trình cầu dân sinh rất lớn, trong khi đó việc vận hành khai thác loại cầu này thường gặp nhiều rủi ro, nên việc kêu gọi đầu tư của  tư nhân không dễ dàng. Do đó, để nhiều công trình cầu dân sinh được triển khai xây dựng, ngoài nguồn vốn từ quỹ bảo trì đường bộ địa phương và nguồn ngân sách tỉnh thì cần sự chung sức của toàn xã hội. Sở GTVT đã đề xuất với UBND tỉnh cho phép địa phương (cấp xã) làm chủ đầu tư các công trình cầu dân sinh xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách xã và vốn bảo trì đường bộ thu từ xe máy trên địa bàn xã; đề nghị UBND cấp huyện quản lý việc xây dựng các cầu dân sinh theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GTVT tại Thông tư số 12/2014/TT-BGTVT, về việc quản lý, vận hành cầu trên đường giao thông nông thôn, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và tránh tình trạng nhiều cây cầu bị “bỏ rơi” như từ trước tới nay.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.