"Ép" đầu vào, biện pháp kích tăng trưởng tín dụng cuối năm
Đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động
Đầu tháng 10, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất huy động, dẫn đầu về mức lãi suất huy động thấp nhất toàn thị trường hiện nay là Ngân hàng NN&PTNT (Agribank). Trong đợt điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi VND mới nhất ngày 8-10, kỳ hạn gửi 1 tháng tại Agribank còn 4,3%/năm, kỳ hạn 2 và 3 tháng giảm lần lượt là 4,8% và 5,3%/năm. Trong khi đó, theo công bố của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank), lãi suất huy động kỳ hạn gửi từ 24-60 tháng giảm tới 0,5%, từ 6,8%/năm xuống còn 6,3%/năm, lãi suất gửi 1 tháng giảm còn 4,5%/năm; kỳ hạn gửi 2 và 3 tháng lần lượt là 4,5%/năm và 5%/năm, kỳ hạn gửi 12 tháng còn ở mức 6,2%/năm. Đợt giảm lãi suất huy động này còn có sự tham gia của nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) tiếp tục giảm lãi suất từ 0,2-0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Hiện mức lãi tiền gửi kỳ hạn 2 tháng mà BIDV áp dụng còn 4,8%/năm thay vì mức 5%/năm. Đáng chú ý, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã liên tiếp có tới 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động mức cao nhất Techcombank đang áp dụng giảm còn 7,26%/năm, thay vì 7,56%/năm cho kỳ hạn gửi 36 tháng rút gốc linh hoạt. Cùng kỳ hạn gửi này, nhưng khách hàng rút lãi hằng tháng tại quầy, thì lãi suất tiền gửi giảm xuống còn 6,59%/năm, giảm 0,24%/năm so với đợt điều chỉnh trước đây.
Nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh khi Tây Nguyên vào mùa thu hoạch cà phê (Trong ảnh: Chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) |
Biện pháp "kích" tăng trưởng tín dụng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Dak Lak, đến nay, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 2,1% so với đầu năm. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 41.109 tỷ đồng (tăng 851 tỷ đồng), trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước 23.509 tỷ đồng (chiếm 57,2% tổng dư nợ, giảm 3,0% so với đầu năm); dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 17.601 tỷ đồng (chiếm 42,8% tổng dư nợ cho vay, tăng 9,8% so với đầu năm). Trong khi đó, huy động vốn tiếp tục tăng mạnh, đến hết quý III-2014 ước thực hiện 24.623 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19,1% so với đầu năm. Theo đại diện một ngân hàng thương mại, trong bối cảnh ngân hàng dư thừa vốn lớn, không cho vay ra được nên giảm lãi suất là cách để tối đa hóa chênh lệch giữa mức lãi suất đầu vào, đầu ra. Quan trọng hơn, đây cũng là bước đi chủ động của các ngân hàng để giảm lãi suất cho vay, “kích” tín dụng tăng trưởng mạnh hơn vào cuối năm. Thực tế là nếu tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục thấp như hiện nay, việc ngân hàng phải “ôm” một lượng tiền lớn đang đặt ra rất nhiều thách thức. Do vậy, cùng với nhu cầu vốn tăng mạnh vào thời điểm cuối năm khi Tây Nguyên vào mùa thu hoạch cà phê, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc