Gian nan thu nợ đọng thuế
Thời gian gần đây, nợ thuế, nhất là nhóm nợ khó thu liên tục tăng khiến dư luận không khỏi băn khoăn, thậm chí đặt nhiều dấu hỏi về sự lỏng lẻo của pháp luật.
Kỳ I: Muôn kiểu nợ đọng thuế
Lợi dụng chính sách giãn nộp thuế VAT, thu nhập DN, chính sách thông thoáng trong việc đăng ký kinh doanh, tự in hóa đơn…, gần đây xuất hiện nhiều “chiêu” trốn thuế khá tinh vi.
Từ việc... “giả chết” để trốn thuế
Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột tổ chức cưỡng chế thuế một DN trên địa bàn. |
Đầu tiên phải kể đến hình thức mà nhiều người gọi là “giả chết” để trốn thuế, đó là sau khi nợ thuế với số tiền lớn, nhiều chủ doanh nghiệp (DN) tuyên bố nghỉ kinh doanh, nhưng ngay sau đó, một DN khác cùng chủ lại được lập ra - theo kiểu “bình mới rượu cũ” và tiếp tục điệp khúc “nợ thuế, đóng cửa rồi thành lập DN mới...”. Hình thức này đang được hàng loạt chủ DN áp dụng thông qua việc thay đổi tên thành viên trong một gia đình như Công ty TNHH xây dựng cầu đường Tân Lợi do ông Đỗ Thành Sơn (chồng bà Nguyễn Thị Vân) làm giám đốc, còn nợ thuế thuế 191.882.500 đồng, đã bỏ kinh doanh; sau đó xuất hiện Công ty TNHH xây dựng và cầu đường Việt Sơn và Công ty TNHH xây dựng và cầu đường Tây Nguyên STEEL do bà Đỗ Thị Diễm Quỳnh (con gái bà Nguyễn Thị Vân) làm giám đốc còn nợ thuế 561.768.595 đồng, đã thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh và có tờ trình đề nghị đóng mã số thuế, và cuối cùng là Công ty TNHH xây dựng và cầu đường Gia Việt do bà Nguyễn Thị Vân làm giám đốc, còn nợ tiền thuế, tiền phạt 10.219.955 đồng, đến năm 2013 thay đổi tên công ty và ngành nghề kinh doanh mới là Công ty TNHH thép Thịnh Nguyên do bà nguyễn Thị Vân làm giám đốc, còn nợ thuế 99.458.074 đồng (nợ thông thường). Cùng với đó là hình thức thay đổi tên vợ, tên chồng để chiếm dụng tiền thuế, tiêu biểu trong trường hợp này là Công ty TNHH viễn thông Lê Hùng (16 Lê Thánh Tông, TP. Buôn Ma Thuột) do bà Hoàng Thị Hường làm giám đốc, còn nợ tiền thuế 209 triệu đồng, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế, nhưng đến nay vẫn chưa thu được và công ty này hiện đã không còn tồn tại ở địa chỉ trên. Thay vào đó, tại địa chỉ 14-16 Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột) xuất hiện Công ty TNHH MTV viễn thông Hoàng Lê Hùng do ông Lê Viết Hùng (chồng bà Hoàng Thị Hường), hiện còn nợ thuế 69 triệu đồng và cũng đã giải thể. Ngoài ra còn có trường hợp một người đứng tên hai công ty nợ thuế, thành lập công ty khác. Điển hình cho hình thức này là Công ty TNHH MTV thương mại Phúc Ly (47 Nguyễn Trãi, TP. Buôn Ma Thuột) do bà Hồ Thị Ly làm giám đốc, đã thông báo ngừng kinh doanh khi số nợ thuế là 399 triệu đồng. Thế nhưng, tháng 4-2012, bà Ly lại lập Công ty TNHH thương mại Hồ Thành Đạt (địa chỉ 278 Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột) để tiếp tục kinh doanh ngành nghề cũ là buôn bán cà phê, nông sản. Đến tháng 4-2013, Công ty Hồ Thành Đạt cũng thông báo ngừng kinh doanh, mang theo 39 số hóa đơn, nợ 530 triệu đồng thuế. Bà Ly cũng là chủ của DN tư nhân Đăk Lâm (địa chỉ 278 Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột) đã ngừng kinh doanh và còn nợ 718 triệu đồng tiền thuế. Cùng phương thức này, DN tư nhân Chín Khoán (78 Chu Văn An, TP. Buôn Ma Thuột) do bà Lê Thị Ngọc Khuyến làm giám đốc nợ hơn 2,9 tỷ đồng tiền thuế cũng ngừng kinh doanh buôn bán cà phê, nông sản. Sau đó, vợ chồng bà Khuyến lại thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đắk Viên (đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) và để anh trai bà Khuyến là ông Lê Đình Khôi làm giám đốc. Công ty Đắk Viên tiếp tục nợ hơn 2,3 tỷ đồng tiền thuế rồi cũng... nghỉ kinh doanh (?!)
Kiểm tra tình hình nợ thuế tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Đến “chuyển vốn” để chiếm đoạt thuế VAT
Bên cạnh hình thức thay đổi tên công ty, chủ sở hữu… còn phải kể đến một “chiêu” lách thuế khác là hình thức “chuyển vốn” để trốn thuế. Tiêu biểu trong hình thức này phải kể đến là Công ty TNHH Hoàng Nguyên (56 Chế Lan Viên, TP. Buôn Ma Thuột). Theo tài liệu Chi cục thuế TP. Buôn Ma Thuột gửi cơ quan Công an, hiện công ty này còn nợ thuế trên 12 tỷ đồng, Công ty TNHH Hoàng Nguyên đã bán toàn bộ nhà xưởng, tài sản tại địa chỉ Lô 1C Cụm Công nghiệp Tân An 1 cho Công ty Cổ phần lâm sản Dak Lak vào tháng 7-2013 (có doanh thu trên 28,8 tỷ đồng, số thuế GTGT là trên 2,8 tỷ đồng); bán Nhà máy Thủy điện Ea Kha cho Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Hoàng Nguyên vào tháng 12-2013 (có doanh thu trên 77,2 tỷ đồng, số tiền thuế GTGT là trên 7,7 tỷ đồng); tháng 12-2013, xuất hóa đơn cho thuê Nhà máy Thủy điện Ea Kha cho đơn vị thuê là Chi nhánh Công ty Hoàng Nguyên tại huyện Krông Bông (có doanh thu 4,8 tỷ đồng, số thuế GTGT là 480 triệu đồng). Tất cả số thuế phát sinh trên đến nay Công ty TNHH Hoàng Nguyên không nộp vào ngân sách Nhà nước. Theo kết luận của Chi cục thuế TP. Buôn Ma Thuột, dựa trên cơ sở của hợp đồng sang nhượng tài sản là Nhà máy Thủy điện Ea Kha tại huyện Krông Bông, có nhiều dấu hiệu liên quan đến việc chuyển vốn giữa hai Công ty TNHH Hoàng Nguyên và Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Hoàng Nguyên nhằm hoàn thuế và chiếm dụng thuế GTGT của Nhà nước. Căn cứ vào chứng từ thanh toán tiền vốn chuyển nhượng mua bán Nhà máy Thủy điện Ea Kha tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga – Chi nhánh Vũng Tàu, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu cho thấy đây chỉ là hình thức nhằm hợp pháp việc chuyển vốn (?!)
(Còn nữa)
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc